Quất cảnh khô cành, người trồng héo rũ

12/01/2018 06:17

​Cả năm “gối đất nằm sương”, người trồng quất chăm chút, cắt tỉa, tạo dáng để cho ra những sản phẩm tuyệt vời nhất có thể, đáp ứng nhu cầu thưởng hoa, cây cảnh trong ngày tết của mọi người. Thế nhưng khi tết cận kề, những cây quất lại sâu bệnh, khô cành, kém phát triển làm người trồng héo rũ...

Tháng Chạp là khoảng thời gian tất bật của người trồng hoa, cây cảnh, bởi đây là thời điểm quyết định cho ra những sản phẩm tuyệt vời nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi người trong dịp tết cổ truyền.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Kim Tri, thôn Ia Hội, xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum), một người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề trồng và chăm sóc quất. Cứ ngỡ sẽ gặp cảnh vợ chồng ông bận rộn với công việc chăm sóc, tạo dáng những dãy quất sum suê với những quả vàng trĩu cành…, nhưng không, thực tế lại hoàn toàn trái ngược, trước mắt chúng tôi là khu vườn rộng với những cây quất tán lá héo úa, dăm quả con con còi cọc...

Ông Tri thở dài nói: Quất năm nay mất mùa, cây bị bệnh, nhiều cây chết rễ không phát triển được, có cây thì bị bệnh cuốn trái, vỏ dày... Trong 20 năm làm nghề trồng quất, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp cây bị thế này. Giờ tôi chỉ còn nước giữ tại vườn để làm giống, trồng cho năm sau, chứ không thể đưa ra thị trường bán được vì người mua chỉ chọn những cây đẹp, tán rộng, quả nhiều, to đều. Nếu quất đắt hàng, có ai đặt thì tôi sẽ bán theo từng chậu, thu lại được đồng nào thì hay đồng nấy...

Ông Tri ủ rủ bên những cây quất héo úa.  Ảnh: T.T

 

Ông Tri cho biết, vợ chồng ông chăm sóc 200 chậu quất, vốn đầu tư khoảng 60 triệu đồng, tuy nhiên bây giờ chỉ còn lại khoảng 40 cây. Quất ông chọn giống rất tốt, lúc đầu cây rất đẹp, tán rộng lá xanh, tuy nhiên mấy tháng trở lại đây do thời tiết mưa nhiều, ít nắng, gây úng dưới rễ khiến cây không phát triển được, chưa kể đất ở đây là đất trộn, có thể là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này của cây.

Buồn vậy, nhưng khi tôi vừa dứt câu hỏi “Lỗ như vậy, năm tới chú có tính trồng tiếp không?”, ông Tri trả lời không chút chần chừ: Gắn bó với nghề này 20 năm, với bao đam mê, tôi đã tìm tòi, thu nhặt được không ít kiến thức trong nghề, không thể vì một năm thua lỗ mà bỏ được. Sang năm, tôi sẽ vẫn tiếp tục trồng quất, nhưng sẽ cải thiện bằng cách đổi đất, giăng lưới tránh sâu bệnh và hạn chế điều kiện thời tiết tác động đến cây.

Rời nhà ông Tri, chúng tôi đến một cơ sở trồng quất khác của anh Duy ở tổ 3, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum), cũng là người có thâm niên gắn bó với nghề ngót 20 năm.  

Khi được hỏi về tình hình cây trồng, anh Duy trầm giọng: Có một số cây mắc bệnh hư rễ, một số thì bị sâu bệnh. Thời tiết năm nay quá khắc nghiệt với cây quất, dù tôi cố gắng chăm sóc tỉ mỉ, nhưng vẫn có đến 35% trong số 114 chậu đã trồng không đạt yêu cầu, không thể xuất đi bán trong dịp tết sắp tới; hi vọng số cây còn lại có thể giúp hoàn vốn.

Cũng như ông Tri, anh Duy vẫn tỏ ra khá lạc quan, chia sẻ: Năm sau tôi vẫn sẽ tiếp tục trồng quất, mở rộng thêm vườn của mình và có thể sẽ trồng thêm các loại cây khác, áp dụng các biện pháp giăng lưới và ngăn ngừa dịch bệnh cho cây...

Trước sự lạc quan, tự tin của anh, chúng tôi hy vọng, năm sau khi quay lại đây sẽ được thấy một vườn cây cảnh xanh tốt, đem lại niềm vui cho những người gắn bó với nghề được ví như “gối đất nằm sương” này.

Tất Thành

 

Chuyên mục khác