Quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức

05/12/2022 13:02

Qua hơn 30 năm thành lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đến nay tỉnh Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Trong thành tựu chung ấy, có đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức.

Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 17.968 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 1.736 công chức cấp tỉnh, huyện (9,7%); 1.976 cán bộ, công chức cấp xã (11%) và 14.256 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (79,3%).

 Đây chính là lực lượng đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật; có nhiều giải pháp ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống; tham gia tư vấn, phản biện và giám sát xã hội.

Nhằm huy động tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ trí thức trên địa bàn, từ năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 13/12/2007 "về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh”. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đội ngũ trí thức tham gia tích cực vào công tác hoạch định phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: TS

 

Nhờ đó, nhiều hoạt động tư vấn, phản biện và giám định được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả, tiêu biểu như: Đề tài “nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược phát triển bền vững ở tỉnh Kon Tum đến năm 2020”; Đề án “giao đất, giao rừng cho cộng đồng nhằm bảo vệ nguồn nước cho sản xuất và đời sống, kết hợp phát triển kinh tế dưới tán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số”; Hội thảo “Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”; Hội thảo "Chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Kon Tum thời gian qua-thực trạng và giải pháp".

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đó có đội ngũ trí thức luôn được quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã ban hành các đề án về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, như: Đề án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, trẻ, người DTTS đến năm 2020; Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025.

Nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếng DTTS và các kĩ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức trên địa bàn. Đội ngũ trí thức của tỉnh không ngừng tăng về số lượng và chất lượng; ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh học đại học, sau đại học; chính sách đãi ngộ cho trí thức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Triển khai thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng về lĩnh vực khoa học- công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đã thành lập Câu lạc bộ trí thức của tỉnh với 59 hội viên với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; tổ chức 9 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật với 111 giải pháp chất lượng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên thì công tác xây dựng đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ. Đó là đội ngũ trí thức thiếu về số lượng, chưa phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực; thiếu những chuyên gia giỏi. Việc thu hút đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia giỏi về công tác tại tỉnh còn ít.

Đời sống của một bộ phận trí thức còn khó khăn; việc tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ còn hạn chế; tính khả thi của các đề tài khoa học chưa cao, khó áp dụng vào thực tiễn...

Để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà trong những năm tới, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 90-KL/TW, ngày 04/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện NQTW 7 khóa X và Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện NQTW 7 khóa X “về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của từng địa phương, đơn vị. Thường xuyên tuyên truyền, vận động trí thức nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong công tác nghiên cứu tham mưu, phát huy trí tuệ, năng lực để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của ngành, địa phương và của tỉnh.

Xây dựng “môi trường” phù hợp để đội ngũ trí thức có cơ hội thể hiện tài năng và khát vọng cống hiến. Có cơ chế, chính sách phù hợp để đãi ngộ, tôn vinh và động viên trí thức tiếp tục yên tâm cống hiến trí tuệ, năng lực của mình cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị. Tăng cường tổ chức các diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền với đội ngũ trí thức.

Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học. Chú trọng đào tạo ở một số ngành, lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghệ sinh học. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức; khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia các đề tài, dự án khoa học và công nghệ.

Nguyễn Quang Thủy

Chuyên mục khác