Quan tâm thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm

27/09/2023 13:07

Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (LĐ-TB&XH) có nhiều nỗ lực trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; nhất là tại địa bàn các huyện nghèo của tỉnh (như Tu Mơ Rông, Kon Plông, Ia H’Drai). Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Điểm nhấn đáng chú ý là, ngành LĐ-TB&XH tỉnh tích cực hướng về các địa phương cơ sở, tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tiếp cận những vị trí việc làm phù hợp với trình độ, năng lực, sở thích. Qua đó, giúp họ hiểu biết, có sự lựa chọn phù hợp với công việc và thu nhập, có một vị trí việc làm ổn định tại các các công ty, xí nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm ổn định, thu nhập tốt, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương. 

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tư vấn cho các bạn trẻ có nhu cầu tham gia XKLĐ. Ảnh: QĐ 

 

Lực lượng lao động của tỉnh trong những năm qua tăng cả về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh có 329.866 người thuộc lực lượng lao động, trong đó lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị 101.665 người, chiếm 30,82%; khu vực nông thôn 228.201 người, chiếm 69,18% lực lượng lao động; tỷ lệ nam tham gia lực lượng lao động chiếm 51,68% (170.475 người) và tỷ lệ này ở nữ là 48,32% (159.391 người).

Đáng chú ý, số lao động có việc làm 327.095 người, chiếm 99,16% trong lực lượng lao động trên toàn tỉnh. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn, với 227.298 người, chiếm 69,49%. So sánh lao động có việc làm/lực lượng lao động giữa 2 khu vực thành thị và nông thôn thì khu vực nông thôn có tỷ lệ lao động có việc làm cao hơn khu vực thành thị 1,44% (99,60% và 98,16%); tỷ lệ này ở lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể 0,56% (99,43% và 98,87%). 

Bà Bạch Thị Mân- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2022 ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh 3,267 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển 934 triệu đồng, vốn sự nghiệp 2,333 tỷ đồng) để đầu tư nâng cấp trang thiết bị và thực hiện công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương.

Đối với vốn đầu tư, phân bổ 934 triệu đồng cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai thực hiện 1 dự án. Đối với vốn sự nghiệp, phân bổ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh 233 triệu đồng; các huyện, thành phố 2,1 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm.

ĐVTN tìm hiểu thông tin về các vị trí việc làm. Ảnh: QĐ 

 

Thông qua nguồn vốn này, năm 2022, các đơn vị, địa phương của tỉnh đã tổ chức được 17 phiên giao dịch việc làm với 654 người tham gia. Trong đó, huyện Kon Plông tổ chức 9 phiên với 354 người tham gia, huyện Tu Mơ Rông tổ chức 5 phiên có 192 người tham gia, huyện Ia H’Drai tổ chức 3 phiên có 108 người tham gia. Qua đó, giúp người lao động nắm bắt các thông tin về thị trường lao động, có sự lựa chọn, khi có nhu cầu tìm việc thì liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để hỗ trợ, giới thiệu việc làm; mặt khác, các huyện, thành phố triển khai thực hiện việc thu thập, phân tích, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn.

Năm 2023 ngân sách Trung ương phân bổ 9,447 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 3,283 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 6,164 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị, địa phương đã tổ chức được 12 phiên giao dịch việc làm với 1.441 người tham gia.

Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH tỉnh tiếp tục triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hoá hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng, nâng cấp các cơ sở dữ liệu phần mềm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

 Đối với vốn sự nghiệp, hiện nay các đơn vị, địa phương đang thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú; tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động, tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các xã để người lao động nắm bắt cơ hội việc làm...

 Nhờ thực hiện tốt các giải pháp thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm tại chỗ, nhiều người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên, người trong độ tuổi lao động có cơ hội tìm được việc làm ổn định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống gia đình.

Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến tháng 8/2023, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện công tác cung ứng, giới thiệu việc làm cho 1.255 người; trong đó làm việc trong tỉnh 760 người, làm việc ngoài tỉnh 405 người, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 90 người. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua các dự án hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ, ngành LĐ-TB&XH đã góp phần giải quyết việc làm cho 1.838 lao động.           

Quang Định

Chuyên mục khác