Quan tâm sửa chữa, nâng cấp đường lên biên giới

15/11/2022 13:00

Tuyến đường ĐH.85 nối từ đường Hồ Chí Minh đến 2 xã Đăk Môn và Đăk Long (huyện Đăk Glei) đã và đang hư hỏng nặng. Đường xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân mà còn có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đường ĐH.85 (hay còn gọi đường liên xã Đăk Môn - Đăk Long) có tổng chiều dài 18km (từ ngã ba xã Đăk Môn đến xã Đăk Long). Trong đó, xã Đăk Long  có 9 thôn với khoảng 1.500 hộ, gần 6.300 nhân khẩu; toàn xã có khoảng 1.800ha cây trồng, chủ yếu là cây mì, cà phê, bời lời, cao su. Còn xã Đăk Môn có 12 thôn với hơn 6.600 nhân khẩu; toàn xã cũng có khoảng 2.000ha cây trồng các loại. Lưu lượng phương tiện trung chuyển hàng hóa, nông sản và việc đi lại của người dân mỗi ngày trên tuyến đường lên đến hàng nghìn lượt nên khi không được sửa chữa thường xuyên, tuyến đường xuống cấp ngày một trầm trọng.

Toàn tuyến, mặt đường đã bong tróc hết lớp nhựa, trơ lại lớp đất, đá. Thậm chí, nhiều đoạn xuất hiện những vết lún sâu tạo thành hàng chục ổ trâu, ổ voi như những chiếc ao nằm trên mặt đường. Đây thực sự cái “bẫy” đầy nguy hiểm đối với các em học sinh, người dân và các phương tiện lưu thông qua đoạn đường này, đặc biệt là mùa mưa.

Đường ĐH.85 bị hư hỏng nặng khó khăn cho việc đi lại. Ảnh: V.P

 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hà- một lái xe taxi thường xuyên đi lại trên đường này ngao ngán: Tôi thường xuyên vào xã Đăk Môn, Đăk Long để đón khách. Mỗi lần đi qua tuyến đường này tôi thấy ớn quá. Xe tôi gầm thấp, việc di chuyển rất khó khăn. Mùa khô còn cố gắng đi được chứ mùa mưa thì chịu. Mong sao con đường sớm được đầu tư, sửa chữa để việc đi lại thuận lợi hơn.

Theo ông Huỳnh Ngọc Ly- Chủ tịch UBND xã Đăk Long, tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng nhất trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, tại địa bàn xã Đăk Long có những hố sâu, mùa mưa các loại xe ô tô không qua được, có một số thời điểm không thể luân chuyển hàng hóa trong địa bàn ra ngoài.

Không chỉ gặp khó trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, điều mà người dân nơi đây lo nhất là mỗi khi có người đau ốm phải đi khám chữa bệnh. Ông A Tròn-Trưởng thôn Đăk Tu (xã Đăk Long) cho biết: Từ xã ra trung tâm huyện mấy chục ki lô mét, mỗi khi bà con trong làng đau ốm thuê ô tô vào chở đi bệnh viện rất khó khăn, nhất là ban đêm, hầu như tài xế họ từ chối vì đường quá xấu. Vì thế, nhiều trường hợp người dân phải chở xe máy đi lên bệnh viện rất cực khổ.

Khi mưa xuống, những ổ voi, ổ trâu tạo thành ao lớn giữa đường. Ảnh: VP

 

Anh A Thương ở thôn Nú Kon (xã Đăk Môn) cũng phản ảnh: Đường hư hỏng nặng, trên đường nhiều ổ voi, hố sâu nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào ban đêm, đặc biệt là mùa mưa. Đã có nhiều trường hợp người dân bị sụp ổ voi khi đi buổi tối bị lao xuống hố giữa đường làm bị thương, thậm chí gãy chân, gãy tay. Vì thế, người dân chúng tôi mong các cấp quan tâm sớm đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường để thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa.

“Đường xấu nên nông sản của người dân làm ra thường bị thương lái ép giá thấp hơn từ 4-5 giá so với thị trường. Vì thế, qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân cũng kiến nghị nhiều lần, đề nghị các cấp sớm bố trí kinh phí đầu tư tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân nhưng đến nay tuyến đường vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp”- ông A Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Môn cho biết.

Các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này cũng rất vất vả, khó khăn. Ảnh: VP

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tứ- Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Glei cho hay: Đường ĐH.85 đã được đầu tư từ rất lâu, chưa được cải tạo, sửa chữa, trong khi đó, đây là tuyến đường độc đạo, lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa, lưu thông lớn kết hợp với thiệt hại do mưa lũ trong những năm qua, nhất là cơn bão số 9/2020 và các cơn bão năm 2021, 2022 đã gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí, gây úng ngập phá vỡ kết cấu nền mặt đường, hệ thống thoát nước bị bồi lấp, hư hỏng nhiều vị trí. Từ năm 2020 đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí, UBND huyện đã đầu tư gia cố cầu, cống, kè tường chắn; khắc phục san lấp ổ gà tại những vị trí hư hại lớn để đảm bảo giao thông trên tuyến. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư khắc phục sửa chữa toàn tuyến là rất khó khăn bởi cần nguồn kinh phí rất lớn. Trong và sau mưa bão, UBND xã Đăk Môn và Đăk Long đã tiến hành bảo trì và triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo giao thông luôn thông suốt trên tuyến, cụ thể như khắc phục các điểm sạt lở, gia cố các vị trí cống rãnh bị hư hỏng cuốn trôi, san lấp bù vênh nền mặt đường tại các vị trí ổ gà trên tuyến. Tuy nhiên, đó là chỉ để đảm bảo được lưu thông tạm nhưng về lâu dài thì cần có nguồn vốn lớn đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mới có thể lưu thông đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Tứ, hàng năm, UBND huyện cân đối, phân bổ nguồn kinh phí chi thường xuyên khoảng 300 triệu đồng cho Phòng và các xã, thị trấn để thực hiện sửa chữa nhỏ, hư hỏng nền mặt đường trên toàn bộ 5 tuyến huyện lộ trên địa bàn, gồm tuyến đường ĐH.81, ĐH.82, ĐH.83, ĐH.84 và ĐH.85 và các tuyến đường liên xã với tổng chiều dài khoảng 110 km. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc sửa chữa chỉ mang tính tạm thời, không đảm bảo cho các hoạt động giao thông lâu dài. Để khắc phục và nâng cấp thì cần có nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên.      

Văn Phương

Chuyên mục khác