19/04/2019 13:12
Năm 2003, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình 50-CTr/TU, trong đó có nội dung thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, các huyện ủy và thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, mặt trận và các tổ chức thành viên tỉnh đã xây dựng chương trình triển khai thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; chỉ đạo thành viên UBND tỉnh, các sở ngành của tỉnh tham mưu ban hành các quyết định quy định tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
Các sở ngành tập trung tham mưu đẩy mạnh triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa giai đoạn I, II và III và về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo; phối hợp với UBND cấp huyện tham mưu tỉnh tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào DTTS như triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với vùng DTTS gắn với phát triển bền vững sau năm 2025 trên địa bàn tỉnh, triển khai Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2030...
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các tổ chức Đảng đoàn, Mặt trận và thành viên ban hành các chương trình, kế hoạch hàng năm phối hợp với chính quyền các địa phương và sở, ngành tỉnh tiến hành giám sát, kiểm tra thực hiện công tác cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về triển khai Chương trình 50-CTr/TU tại cơ sở; cũng như lấy ý kiến trong nhân dân để có những đề xuất, kiến nghị về lồng ghép, điều chỉnh các chương trình, nguồn lực đầu tư vùng đồng bào DTTS phù hợp tình hình thực tế, tăng hiệu quả đầu tư.
Sau 15 năm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị quyết 24-NQ/TW về “Công tác dân tộc”, từ tỉnh đến cơ sở, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện tốt hơn.
|
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tỉnh đã quan tâm đầu tư, giải ngân 992,74 tỷ đồng từ Chương trình 135, để đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Tại các xã này, đã có 100.118 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi từ 2.035 công trình xây dựng mới như: giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm y tế, cũng như được hỗ trợ cây con giống, vật nuôi để phát triển sản xuất; 18.580 hộ nghèo được tạo cơ hội tham gia trực tiếp về tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 23.850 lượt hộ nghèo, đồng bào DTTS được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và đầu tư 107 công trình nước sinh hoạt tập trung; 1.300 hộ được hưởng lợi từ các chương trình định canh định cư.
Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần vùng DTTS, các cấp, các ngành đã triển khai vận động nhân dân tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá và thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, cưới, lễ hội. Đặc biệt ở cấp tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu xây dựng các đề án, kế hoạch kiểm kê di sản, phục dựng các di sản văn hóa phi vật thể vùng DTTS trên địa bàn tỉnh; điều tra, thống kê và vận động nhân dân giữ gìn được 1.916 bộ cồng chiêng; phục dựng, bảo tồn 25 lễ hội truyền thống dân gian và hàng năm tham mưu tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân người DTTS.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có mạng lưới trường học các cấp và trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập, phổ biến kiến thức cho người dân. Ở các huyện và thành phố có 55 trường nội trú, bán trú dân tộc đảm bảo chăm lo, giáo dục tích cực cho học sinh DTTS. Có 100% số hộ nghèo, cận nghèo DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hệ thống trạm y tế xã, thị trấn được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng, trong đó đến nay có 102 xã, phường, thị trấn có trạm y tế và có bác sĩ đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...
Đối với công tác phát triển đảng viên vùng DTTS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục tình trạng cơ sở không có tổ chức đảng và đảng viên. Đến cuối năm 2018, ở 874/874 thôn, làng và tổ dân phố đã có tổ chức đảng và đảng viên, trong đó đảng viên người DTTS là 8.469 người, chiếm 30,54% tổng số đảng viên toàn tỉnh.
Đánh giá một cách toàn diện, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trên địa bàn quan tâm, trợ giúp đồng bộ, kịp thời cho đồng bào DTTS trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS (theo tiêu chí đa chiều) xuống còn 21.392 hộ, chiếm tỷ lệ 30,89% tổng số hộ DTTS toàn tỉnh.
Mai Trâm