06/11/2020 13:02
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn, trong số các nguồn lực thì nguồn lực con người đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI hết sức quan tâm. “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội” là 1 trong 6 nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu cho cả giai đoạn mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: “Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến cuối năm 2025 có trên 60% lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 44%. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động tại chỗ gắn với nhu cầu của thị trường lao động và các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát huy tốt năng lực; nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Câu lạc bộ trí thức tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”
Với đặc thù của tỉnh miền núi thì việc nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu thiếu kiến thức, tri thức sẽ luẩn quẩn mãi trong đói nghèo, lạc hậu. Nếu lao động chưa được đào tạo, thiếu hiểu biết sẽ khó có nhận thức đúng đắn, tầm nhìn, thiếu phương pháp làm ăn hiệu quả và tất yếu khó vươn lên trong cuộc sống.
|
Nhiều lao động sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã có sự chuyển biến căn bản trong nhận thức. Nhiều người từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học đã dần chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học – kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Với các em trong độ tuổi đến trường, dẫu vẫn còn tồn tại thực tế là khó khăn trong công tác duy trì sĩ số, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao, nhưng phải nhận thấy rằng, các bậc phụ huynh, các em học sinh quan tâm hơn đến việc học. Nhiều vùng DTTS có các mô hình học tập: Tiếng kẻng học tập, Góc học tập... khích lệ, động viên tinh thần ham học hỏi của các em. Ngày càng có nhiều học sinh người DTTS đã vượt qua khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều em sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, dẫu không học lên bậc cao đẳng, đại học, trở về khu dân cư sản xuất, sinh hoạt, đã biết vận dụng những kiến thức đã học được vào cuộc sống và trở thành những hạt nhân tiêu biểu để dân làng cùng học tập, làm theo.
Ngay cả nguồn lực con người là những cán bộ công chức đang thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị. Các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được thể hiện chủ yếu, trực tiếp qua hệ thống công vụ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ công chức chính là những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Nếu nguồn lực con người trong trường hợp này hoặc yếu về năng lực hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ trở thành vật cản lớn. Lúc đó, cho dù chủ trương, chính sách đúng và thông thoáng cũng không thể tránh được tình trạng “trên thông - dưới tắc”...
Nói cách khác, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu cho giai đoạn mới thì chắc chắn rằng tỉnh ta phải cần một nguồn nhân lực đủ năng lực triển khai. Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 1,32%, từ 29,8% năm 2016 lên 36,6% năm 2020. Từ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là đào tạo nghề cho khoảng 31.250 lao động. Trong đó, trình độ cao đẳng 2.350 lao động, trình độ trung cấp 2.400 lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 16.500 lao động và đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội 10.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, đào tạo chung đến năm 2025 lần lượt 44% và 60% (bình quân mỗi năm tăng 2,9%).
Cùng với đó, trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số. Mục tiêu là tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS. Phấn đấu đến năm 2025, trên 50% số trường mầm non, 70% số trường tiểu học, 50% số trường THCS, 55% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Thực tế cho thấy, đối với bất kỳ sự phát triển nào thì nguồn lực con người luôn được coi trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Bởi nguồn lực con người là tổng thể những tiềm năng, những năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng đã, đang và sẽ tạo ra sức mạnh để tác động, khơi dậy, phát huy tiềm năng các nguồn lực khác.
Do vậy, thực hiện đảm bảo những chỉ tiêu về nguồn lực con người mà Đại hội Đảng bộ tỉnh XVI đã đề ra, tỉnh ta sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, đào tạo nhân tài. Và một khi nguồn lực con người đủ mạnh, đủ tâm huyết thì chắc chắn rằng các mục tiêu lớn đã đặt ra trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn xa hơn sẽ trở thành hiện thực.
Nguyên Phúc