Quan tâm hơn đến trẻ em trong mùa dịch Covid-19

28/02/2022 06:01

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các hoạt động của toàn xã hội được “kích hoạt” trở lại.  Thế nhưng, trẻ em là đối tượng chưa được tiêm phòng vắc xin Covid-19, nhất là trẻ ở lứa tuổi dưới 12 đối diện với nguy cơ bị nhiễm bệnh cao, chịu nhiều tác động khác khi phải thích nghi với “bình thường mới”. Điều này đòi hỏi công tác chăm sóc trẻ em cần được quan tâm hơn.

Em gái tôi có 2 con nhỏ đang ở tuổi học cấp một và mẫu giáo. Sau Tết Nguyên đán, các cháu đã đến trường tiếp tục việc học tập. Nhưng rồi bất ngờ, ở lớp cháu trai học lớp 5 có 2 bạn là F0, theo quy định mới của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả lớp 40 bạn cùng cô chủ nhiệm tạm thời nghỉ học và dạy trực tiếp, việc dạy học online được kích hoạt. 

Ảnh minh họa

 

Con trai trở thành F1, thế là em gái tôi cũng phải xin ở nhà theo dõi, chăm sóc sức khỏe, lo cơm nước cho cậu con trai lớn. Chưa kể ban đêm phải vừa dỗ dành cậu con trai nhỏ học mẫu giáo, vừa giúp con trai lớn học online tại nhà. Em gái than thở: Lắm lúc em căng thẳng nên cáu gắt khi các con không nghe lời, nghịch ngợm. Trong khi đó, các cô giáo dạy học trực tuyến càng vất vả hơn, như nhắn đường link cho phụ huynh để vào phần mềm hỗ trợ học tập online, rồi phải theo dõi, điểm danh, nhắc nhở, giảng bài, hỏi bài liên tục gần 40 bạn nhỏ. Thời gian lớp học kéo dài vài tiếng, có thời gian nghỉ giải lao, cô trò lại vào lớp, rồi chờ đợi, điểm danh và tiếp tục việc học… Vậy nên có giáo viên không thể giữ bình tĩnh, có to tiếng, nhắc nhở các cháu là chuyện thường. Còn các con theo dõi, học tập online cũng mệt mỏi khi ngồi lâu một chỗ, phải căng thẳng lắng nghe, suy nghĩ để trả lời bài học, khi cô giáo gọi tên… Do đó, việc học trực tuyến khiến cả cô và trò cũng mệt mỏi.

Chưa kể nhiều bạn nhỏ bỗng dưng là F0 phải theo cả người thân vào khu vực cách ly tập trung (khi gia đình không đủ điều kiện) để được điều trị Covid-19, hoặc phải sống tách biệt ở một khu vực trong nhà nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây dịch bệnh cho các thành viên khác còn lại. 

Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều gia đình gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, thu thập giảm sút, nên việc chăm lo vật chất cho trẻ em có phần giảm sút hơn trước. Thậm chí, nhiều em nhỏ phải xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.

Từ những xáo trộn, lo lắng chung của người lớn và việc yêu cầu thích nghi với “bình thường mới” tác động không nhỏ đến trẻ em, đòi hỏi các em có ý thức phòng, chống dịch như với người lớn. Mặt khác, khi cuộc sống luôn thay đổi trạng thái (như học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến, hay bị hạn chế tiếp xúc, cách ly tại nhà…) tạo ra nhiều xáo trộn, các em có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý. Đặc biệt, những trường hợp trẻ là F0, F1 rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, dể dẫn đến bị thiếu dinh dưỡng, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sau này.

Ở đây, chưa nói đến nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi rẫy dài ngày, việc ở nhà tự học, học trực tuyến, tự lo nấu nướng ăn uống, vui chơi vẫn diễn ra thường xuyên và do các em tự quản. Những hoàn cảnh của trẻ như trên không có người lớn quản lý dễ rơi vào hoàn cảnh bị thương tích như đuối nước, điện giật, bị ngược đãi, bị hiếp dâm… Và theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, năm 2021, toàn tỉnh có 36 trẻ em rơi vào hoàn cảnh trên, khi không có người lớn, người thân chăm sóc, quản lý .

Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu xã hội học, tâm sinh lý trẻ em còn cho rằng, những học sinh phải nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh có thể sẽ tác động xấu đến phát triển tri thức của các em trong tương lai.

Từ thực trạng trên và trước tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, trẻ em đang là đối tượng dễ bị tổn thương, do đó rất cần sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên của gia đình, nhà trường và xã hội.

Thiết nghĩ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, các cấp và các sở, ngành địa phương trong tỉnh phải có sự điều chỉnh, thay đổi phương pháp, cách thức tuyên truyền cho phụ huynh, nhà trường, cộng đồng, xã hội về việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc vật chất và tinh thần cho trẻ em nhiều hơn nữa. Đồng thời, các em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe bản thân để dần hình thành ý thức tự giác, như giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang đúng cách, tránh tụ tập đông người... Vấn đề bảo đảm dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng, phụ huynh cần lưu ý để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe cho các em.

Trước những vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi gia đình và nhà trường quan tâm hướng dẫn các em thích nghi, đẩy mạnh việc học tập, cung cấp kiến thức trực tuyến, xây dựng thói quen làm việc có kế hoạch, đặt mục tiêu cho các em có động lực phấn đấu và thường xuyên quan tâm trò chuyện, chia sẻ việc học tập, tránh tạo áp lực, gây trầm cảm cho trẻ.

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, nhất là các gia đình khó khăn về kinh tế để tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho trẻ em, tránh để cho các em bị tổn thương.

Mai Trâm

Chuyên mục khác