01/06/2020 06:06
Trong chuyến công tác với Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh dịp cuối tháng 5 vừa qua, tôi có dịp gặp gỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tại thôn Klâu Ngol Zố, xã Ia Chim (TP. Kon Tum), có cô bé Hoàng Thị Hường (14 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh teo cơ bẩm sinh. Dù cha mẹ em chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh tình của em vẫn không hề thuyên giảm. Thậm chí các y, bác sỹ còn cho rằng, càng lớn lên, phần chân và hông của em lại càng yếu đi, không thể di chuyển được, mọi sinh hoạt hàng ngày của em đều cần phải có sự giúp đỡ từ người khác.
Tuy nhiên, với mong muốn được đi học của Hường, bố mẹ em cố gắng để lo cho em được thỏa ước mơ của mình. Hiện tại, Hường đang là học sinh tại Trường THCS Phan Bội Châu, xã Ia Chim. Nhà cách trường hơn 10km, với con đường khúc khuỷu, lồi lõm, đầy những “ổ voi, ổ gà”, ấy vậy mà hàng ngày, chị Y Hà (mẹ của Hoàng Thị Hường) vẫn thường xuyên đưa em vượt quãng đường này để đến trường đi học, bất kể thời tiết nắng mưa.
Chị Hà tâm sự, trong gia đình, chồng là người đi làm chính để nuôi cả nhà, còn chị phải ở nhà để có thời gian chăm sóc cho Hường được tốt hơn. Hiểu được bản thân cháu chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn cùng trang lứa, vậy nên, chị càng phải cố gắng nhiều hơn để lo cho cháu học tập.
|
Thời gian ở trường, mọi việc từ học tập cho đến sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, Hường đều nhờ vào sự trợ giúp của thầy cô và các bạn. Thông cảm và chia sẻ hoàn cảnh của Hường, thầy cô và các bạn tận tình giúp đỡ em mỗi khi cần thiết.
Cô Vũ Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Chim) cho biết: Mặc dù khuyết tật, nhưng em Hường rất chăm chỉ và học tốt. Theo kết quả học tập nhiều năm qua, em luôn đạt danh hiệu từ học sinh tiên tiến trở lên. Chính vì vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cho em được nhận các suất học bổng của những “mạnh thường quân”, các chương trình đến với nhà trường. Bởi chúng tôi biết, gia đình Hường cũng rất khó khăn, vất vả trong việc nuôi em ăn học. Hy vọng rằng, thông qua Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật của tỉnh nhà, Hường sẽ nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ xã hội.
Đến với huyện Đăk Hà, chúng tôi chứng kiến hoàn cảnh của em Trần Văn Nguyên (12 tuổi), tại thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn. Gia đình Nguyên có 4 người, bố em mất sớm vì tai nạn giao thông khi em chỉ mới 4 tuổi. Mẹ em phải tảo tần nuôi em và anh trai ăn học. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 1ha cà phê nhận khoán từ Công ty TNHH MTV Cà phê 731. Nguồn thu không ổn định, mẹ em đành phải gửi em cho ông bà ngoại để vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Anh trai Nguyên dù thi đậu Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, song cũng đành phải nghỉ ngang để tìm việc làm phụ mẹ nuôi Nguyên ăn học.
“Con nhớ mẹ lắm, mỗi ngày con đều gọi điện để được nghe giọng nói của mẹ. Mỗi lúc tan trường trông thấy những bạn khác được bố mẹ đưa đón, con lại cảm thấy rất buồn. Con mong mình lớn thật nhanh để có thể giúp đỡ cho mẹ và ông bà. Trong quá trình học tập ở nhà, bài nào không biết con đều gọi điện nhờ anh trai giảng giải, chính vì vậy, dù không có mẹ ở nhà giúp đỡ, con vẫn có thể học tập bằng bạn bè trên lớp” - Nguyên trải lòng.
|
Hoàn cảnh của em Hường, em Nguyên chỉ là hai trong số nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh tiếp cận qua chuyến công tác này. Ở mỗi gia đình lại có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của các em là đang chiụ nhiều thua thiệt về nhiều mặt so với chúng bạn cùng trang lứa.
Bà Vũ Thị Minh Huệ - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh cho biết: Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi chọn ra những em có hoàn cảnh khó khăn nhất, để kêu gọi vận động nguồn hỗ trợ từ xã hội. Dự kiến vào mùng 1/6 tới, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình giao lưu “Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, để kêu gọi các “mạnh thường quân” giúp đỡ, hỗ trợ cho các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, từ các nguồn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, trợ giúp cho 651 trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Hội đã vận động được số tiền trên 455 triệu đồng; kêu gọi tổ chức “Giving It Back To Kids” của Mỹ thực hiện khoản viện trợ phi dự án, tài trợ hiện vật cho các đối tượng trẻ em mồ côi, nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Hội đã trao 200 chiếc xe lăn cho các đối tượng là trẻ em khuyết tật; 100 chiếc xe đạp cho các em học sinh dưới 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện đi học. Hiện tại, Hội kêu gọi tổ chức VN SMILES ORGANIZ ATION (VNSO) từ nước Úc tài trợ trong việc khám, chữa bệnh răng - hàm - mặt nhân đạo cho trẻ em mồ côi, khuyết tật và trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, trong những năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh đã và đang làm tốt trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, chăm sóc và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của Hội và của cộng đồng góp phần sẻ chia, nuôi ước mơ cho các em và giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tất Thành