Quan tâm đào tạo lưu học sinh Lào và Campuchia

13/04/2023 13:10

Những năm qua, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tham gia đào tạo nhiều thế hệ lưu học sinh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và lưu học sinh của Vương quốc Campuchia. Qua các khóa đào tạo, đội ngũ thầy cô giáo nhà trường tận tình truyền đạt kiến thức cho các lưu học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về khả năng sử dụng tiếng Việt, kiến thức chuyên ngành đào tạo và các kỹ năng cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu công việc sau khi trở về nước.

Hiện nay, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đào tạo 86 lưu học sinh Lào và 12 lưu học sinh Campuchia . Các em được bố trí ở tập trung tại khu ký túc xá của Phân hiệu với mức phí sinh hoạt là 180.000 đồng/tháng; các phòng ở được bố trí đầy đủ giường tầng, tủ quần áo, khu vệ sinh khép kín và các dụng cụ học tập cần thiết như bàn học, đèn học và kệ để sách.

Phân hiệu có phòng tự học, thư viện, căn tin, nhà thi đấu thể thao, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu mây nên rất thuận lợi để lưu học sinh sinh hoạt, học tập, rèn luyện thể dục, thể thao.

Các lưu học sinh Lào, Campuchia thực tập tốt nghiệp. Ảnh: TL

 

Thạc sĩ Nguyễn Tố Như- Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết: “Nhằm khắc phục hạn chế tiếng Việt của lưu học sinh, nhà trường đẩy mạnh hoạt động mô hình “nhóm sinh viên Việt Nam hỗ trợ giúp tiếng Việt cho các lưu học sinh”; phân công giảng viên hỗ trợ tiếng Việt cho lưu học sinh sau các tiết học. Giảng viên xây dựng bài giảng E-learning để lưu học sinh có thể học lại nhiều lần trên máy vi tính, điện thoại thông minh. Các hoạt động này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của tất cả các lưu học sinh, từ đó khả năng nghe, nói, viết tiếng Việt của các em dần được nâng lên”.

Em Kun Channadara, lưu học sinh đến từ tỉnh Stung Treng (Campuchia) cho hay: “Em rất vui khi được học tập tại Phân hiệu; giảng viên và các bạn sinh viên Việt Nam rất nhiệt tình giúp đỡ em học tiếng Việt và các môn học chuyên ngành. Em đang là sinh viên năm cuối của khoa Công nghệ, ngành công nghệ thông tin; em tin tưởng rằng khi tốt nghiệp, bản thân sẽ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để sau này đóng góp một phần sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh Stung Treng- quê hương em”.

Lưu học sinh cũng được Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum khuyến khích cùng với sinh viên Việt Nam tham gia phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, các cuộc thi văn nghệ, thể thao, tọa đàm, giao lưu văn hóa, các hoạt động tình nguyện và kỷ niệm các ngày lễ lớn của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các lưu học sinh và tạo không khí đoàn kết, gắn bó, hữu nghị trong đội ngũ sinh viên đang theo học tại trường.

Lưu học sinh tham gia Ngày hội giao lưu văn hóa Campuchia - Lào - Việt Nam. Ảnh: T.L

 

Em Bino Phonthipsavat, lưu học sinh tỉnh Saravan (Lào) chia sẻ: “Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng em được tham gia các sự kiện chào mừng Tết cổ truyền Việt Nam; được cắm trại với chủ đề “Sắc màu Đông Dương” nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3); tham gia Ngày hội giao lưu văn hóa Campuchia - Lào - Việt Nam với chủ đề “Sắc màu văn hóa Đông Dương”. Ngoài ra, tại Phân hiệu có các câu lạc bộ về công nghệ thông tin, âm nhạc, thể thao với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi đã tạo cơ hội cho chúng em được giao lưu, chia sẻ với các bạn lưu học sinh, sinh viên có cùng sở thích”.

“Để thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo lưu học sinh trong thời gian đến, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum  sẽ phối hợp với đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyển sinh chuyên ngành đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho các lưu học sinh. Đồng thời, huy động thêm nguồn học bổng cho lưu học sinh để các em thuận lợi hơn khi sinh hoạt, học tập tại Phân hiệu; tiếp tục tăng cường các giải pháp dạy tiếng Việt cho lưu học sinh; phối hợp với các chủ tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, Campuchia để lưu học sinh được đi thực tập tại các tập đoàn, doanh nghiệp này, giúp các em có thêm nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”- Thạc sĩ Nguyễn Tố Như cho biết thêm.      

Tấn Lộc

Chuyên mục khác