14/12/2019 06:19
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) tại tỉnh đang ở mức cao, mặc dù ngành Y tế cùng với các sở, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể hữu quan đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ trẻ SDD.
Năm 2018, theo công bố của Viện Dinh dưỡng (điều tra thực hiện trên 30 điểm xã, tổng số trẻ dưới 5 tuổi điều tra là 1.500 cháu tại tỉnh Kon Tum), tỷ lệ SDD cân nặng/tuổi là 22,2%, SDD chiều cao/tuổi là 37,4%.
Ngành chức năng cũng đã khuyến cáo rằng, với tiến độ giảm tỷ lệ SDD hàng năm như hiện nay, khó có thể đạt được chỉ tiêu về giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2020 đề ra tại Nghị quyết 36/2011/NQ-HĐND ngày 05/12/2011 của HĐND tỉnh (chỉ tiêu Nghị quyết là 17%).
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD trẻ dưới 5 tuổi chậm cải thiện, nhưng trong đó có một số nguyên nhân cơ bản được xác định là do tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS một số huyện vùng sâu, vùng xa (Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông) còn cao; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn dẫn đến không đủ điều kiện để cung cấp khẩu phần ăn đủ năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Thêm vào đó, tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên còn rất cao, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn và trình độ dân trí không đồng đều, có sự chênh lệch ở một số địa phương, tác động trực tiếp đến việc thực hành dinh dưỡng của bà mẹ. Một số nơi, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng chống SDD trên địa bàn; thiếu kiểm tra đôn đốc, chưa có giải pháp khắc phục những yếu kém, bất cập nên công tác phòng chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi chưa đạt hiệu quả.
Ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, để cải thiện tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ chú trọng đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng cho các gia đình thuộc hộ nghèo có trẻ em dưới 5 tuổi; phối hợp các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đánh giá các hoạt động đã triển khai nhằm giảm sinh tại những thôn, xã có mức sinh cao, từ đó, tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp thực hiện thiết thực và hiệu quả vấn đề này; phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả các mô hình điểm làm giảm tỷ lệ SDD trên địa bàn để nhân rộng; triển khai và nhân rộng Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn tỉnh (từ tháng 12/2017 đến nay, đã triển khai thí điểm 6 huyện, 10 xã, 20 điểm trường, có 6.087 cháu được thụ hưởng ở lứa tuổi từ 3 đến 5 tuổi).
Về chuyên môn, ngành Y tế tăng cường quan tâm chăm sóc trẻ can thiệp sớm trong 1000 ngày đầu đời của trẻ (phòng tránh SDD bào thai, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú mẹ kéo dài tối thiểu đến 24 tháng, bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi); phát triển các khoa thuộc bệnh viện (tỉnh và huyện) và khuyến khích các phòng khám tư nhân đủ năng lực khám, phát hiện nguyên nhân, tư vấn và điều trị SDD; triển khai các nghiên cứu sâu về các yếu tố có liên quan đến tình trạng SDD trẻ em để cung cấp bằng chứng khoa học cho công tác phòng chống SDD ở trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.
Thảo Nguyên