Phụ nữ với hợp tác xã

17/08/2023 13:12

Ngày nay, chuyện phụ nữ tham gia hợp tác xã không còn chuyện lạ, nhất là phụ nữ DTTS. Chuyện phụ nữ lãnh đạo, quản lý, điều hành hợp tác xã cũng không phải hiếm.

Cách đây mấy năm, tôi vượt trời mưa, đường trơn cùng một chị phụ nữ ở thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, dẫn đi thăm vườn sâm dây của gia đình chị nằm tít trên núi. Vừa đi, chị vừa giới thiệu tên là Y Pót. Đây đúng là một phụ nữ xông xáo và năng động- tôi nghĩ.

Trong câu chuyện dọc đường, chị thổ lộ muốn lập một tổ hợp tác, tốt nhất là một hợp tác xã, để quy tụ chị em phụ nữ trong thôn đang trồng sâm dây thành một mối để có thể giúp nhau trong việc trồng và tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Không chỉ vậy, khi đã thành một tập thể, chị em còn có thể giúp đỡ nhau được nhiều hơn trong đời sống.

Người Kinh có câu gì ấy nhỉ? À, là “buôn có bạn, bán có phường” thì mới thành công được. Bây giờ tôi cũng muốn chị em trong thôn như vậy- chị hóm hỉnh nói, đôi mắt sáng lên.    

Nhiều phụ nữ đã trở thành lãnh đạo, quản lý hợp tác xã. Ảnh: H.L

 

Mấy năm sau gặp lại, chị đã thực hiện được điều mong muốn. Hợp tác xã “toàn phụ nữ” được thành lập tháng 11/2020, hoạt động trong lĩnh vực trồng dược liệu, cung cấp cây giống và các dịch vụ sau thu hoạch.

Đến nay, sản phẩm của hợp tác xã xuất bán đi nhiều tỉnh thành, thu nhập từ sâm dây của chị em xã viên tăng gấp 3 so với khi chưa tham gia hợp tác xã. Không chỉ vậy, hợp tác xã còn tính đến việc liên kết với doanh nghiệp lớn nhằm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.

Chị thành Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã, một danh xưng hết sức lạ lẫm và “hoành tráng”- như chị tự trêu mình.

Đó là một hành trình dài. Chúng tôi đi cùng nhau, tin tưởng và đồng lòng làm việc. Xung quanh chúng tôi luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền, Hội LHPN các cấp và cán bộ dự án- chị nói. 

Kể lại chuyện này không phải để tán dương và ca ngợi cá nhân, dù rất đáng được ca ngợi và tán dương. Đó là sự khẳng định về sự vươn lên của phụ nữ và đóng góp của họ vì một tương lai mới bền vững.

Phụ nữ ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chuyện phụ nữ tham gia hợp tác xã càng không còn chuyện lạ, nhất là phụ nữ DTTS; phụ nữ lãnh đạo, quản lý, điều hành hợp tác xã cũng không phải hiếm gặp.

Chỉ riêng thống kê của Hội LHPN tỉnh đã cho thấy, có 138 mô hình kinh tế tập thể, HTX, với hơn 2.000 thành viên được các cấp hội thành lập, trong đó có hơn 80% thành viên là phụ nữ DTTS.

Và hầu hết phụ nữ, khi được hỏi về những lợi ích khi tham gia hợp tác xã, đều cho rằng đã thay đổi tư duy trong sản xuất, khắc phục sự manh mún, nhỏ lẻ, từ đó thu nhập được nâng cao, cải thiện cuộc sống.

Nhiều chị em cho rằng mình “thay đổi rất nhiều”, từ nhút nhát trở nên tự tin hơn, không còn và “sợ sệt khi gặp người lạ”. Từ người chỉ quen với ruộng rẫy, bếp núc, nay đã biết bàn chuyện làm ăn, cải thiện vị thế trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, phụ nữ cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Đáng chú ý là tỷ lệ lao động nữ không có tay nghề cao; một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ đã quá tuổi lao động.

Cần tăng cường vận động, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia hợp tác xã. Ảnh: HL

 

Đa số lao động nữ trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi tiêu hao nhiều sức lực, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ.

Cũng theo ghi nhận, ngoài nhận thức của xã hội, gia đình về vai trò của nữ giới hiện còn hạn chế, thì bản thân sự tự ti, ngại va chạm và không muốn “vượt qua khuôn khổ gia đình” của chị em phụ nữ chính là “rào cản” khi tham gia hợp tác xã.

Tháng 3/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1131/KH-UBND thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Mục đích đặt ra là phát triển, củng cố, duy trì và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo được nhiều việc làm cho lao động nữ. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Với việc xác định mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đây được xem là động lực mới thúc đẩy quá trình phụ nữ tham gia hợp tác xã mạnh mẽ hơn, chủ động hơn.

Tất nhiên, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể không phải là một hành trình dễ dàng, như lời chị Y Pót.

Tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về tham gia hợp tác xã là điều cần làm đầu tiên. Vì trên thực tế, phần lớn chị em, nhất là chị em phụ nữ người DTTS vẫn còn mơ hồ về kinh tế tập thể và vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể.

Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Trong đó, chú trọng rà soát kết quả hoạt động, xem xét khó khăn, vướng mắc, đề xuất biện pháp cụ thể hỗ trợ.

Một số kinh nghiệm về phát huy vai trò của phụ nữ trong hợp tác xã cần được tham khảo và áp dụng phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Như thành lập nhiều loại hình hợp tác xã cho phụ nữ; tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về quyền lợi, vai trò của phụ nữ trong phát triển hợp tác xã.

Chú trọng vận động thành lập các hợp tác xã  có ngành nghề phù hợp với thế mạnh của phụ nữ và lao động nữ (lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, đan lát, thêu ren, may mặc) gắn với đặc thù từng địa phương.

Hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng quản trị, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo ứng dụng thương mại điện tử cho phụ nữ.

Hồng Lam

Chuyên mục khác