Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Hiệu quả sau 5 năm thực hiện

19/08/2019 06:07

Trong những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo nên mạng lưới an ninh nhân dân vững vàng, rộng khắp.

Trong đó, lực lượng Công an các cấp đã làm tốt vai trò nòng cốt trong phong trào, ngày đêm bám nắm cơ sở, địa bàn; tuyên truyền cho nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác phòng, chống tội phạm… để từ đó kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng lối sống lành mạnh, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại nơi cư trú.

Từ năm 2014 đến nay, lực lượng Công an đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức trên 1.360 buổi tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các thôn làng với trên 122.110 lượt người tham gia. Ngoài ra, lực lượng Công an còn tổ chức 180 đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các trường học trên địa bàn tỉnh…

Một buổi lồng ghép phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại huyện Kon Rẫy. Ảnh ĐN

 

Qua các đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng ngàn tin báo có giá trị về tội phạm, vi phạm pháp luật, giúp lực lượng Công an kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc, không để xảy ra tình hình phức tạp.

Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, việc xây dựng, nhân rộng mô hình về an ninh trật tự ở cơ sở luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.150 mô hình quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở; xây dựng và nhân rộng 3 mô hình điển hình có hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: “Sổ theo dõi tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội”, “Tổ cộng đồng tự quản”, “Tiếng kẻng làng tôi”; xây dựng và phát triển các cơ chế tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải trong cộng đồng dân cư…

Ngoài ra, Mặt trận và các tổ chức thành viên còn phối hợp xây dựng, nhân rộng trên 240 mô hình khác như “khu dân cư điểm”, “tổ nòng cốt tuyên truyền, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật”…

Qua quá trình hoạt động, một số mô hình đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của nhân dân, nhất là tại các địa bàn thường xuyên xảy ra trộm cắp, phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội… nên đã thu hút được nhiều người tham gia, tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động.

Công an xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: Đức Thành

 

Qua thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh, có thể dễ dàng nhận thấy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự từng bước được nâng lên. Qua đó phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Việc xây dựng các điển hình tiên tiến và các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng đã góp phần tích cực trong công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng thôn làng no đủ, vững mạnh, an toàn.

Qua thực hiện phong trào, cũng đã giúp người dân tin tưởng hơn trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo. Từ đó, giúp các cấp, các ngành chủ động kịp thời giải quyết những mâu thuẫn ở khu dân cư, các “điểm nóng” về an ninh trật tự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; phòng, chống và ngăn chặn không để xảy ra khiếu kiện đông người, gây rối an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác