22/05/2018 07:00
Trước những diễn biến khí hậu, nhất là sự nóng lên của trái đất, thiên tai ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường, gây nên nhiều thiệt hại cho con người ở khắp mọi nơi. Nước ta là nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, nước biển xâm nhập, bão lũ… hàng năm, thường gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và nhiều địa phương.
Theo ông Văn Tất Cường - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trước yêu cầu đặt ra cho công tác phòng chống thiên tai, hàng năm tỉnh ta đều có kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp và vận động toàn dân tham gia công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với những biến đổi khí hậu. Trong công tác phòng chống thiên tai, tỉnh huy động và dành nhiều nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng, củng cố các hồ đập, bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão; bảo đảm nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.
|
Ở những vùng có nguy cơ bị sạt lở và nước lũ cuốn trôi, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành thường xuyên cảnh báo, di dời và vận động người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ rừng và vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng, khôi phục rừng và trồng lại rừng để bảo đảm sự điều hòa khí hậu, hạn chế tác hại lũ lụt, bảo đảm nguồn sinh thủy cho sản xuất, sinh hoạt và phục vụ cho các công trình thủy điện; vận động người dân đóng góp xây dựng Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh...
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai, nhưng hàng năm thiên tai vẫn gây ra những thiệt hại không nhỏ. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chưa tính thiệt hại do hạn hán, chỉ trong tháng 4 và tháng 5 năm 2017, lốc xoáy, dông sét làm chết 3 người, bị thương 3 người; tốc mái hư hỏng 76 nhà, 6 phòng học, gãy đổ 9 trụ điện. Tiếp đến là mùa mưa bão trong năm này làm 4 người chết do sạt lở đất, nước lũ cuốn trôi; tốc mái, hư hỏng 170 nhà; làm bồi lấp, ngập úng, hư hại 162,2ha lúa, 18,2 ha hoa màu, 29,53ha cây trồng lâu năm, 164 con gia súc bị chết vì nước lũ cuốn trôi; 38 công trình thủy lợi, 23 công trình nước tự chảy bị bồi lấp, xói lở và hư hỏng.
Cũng trong năm này, mưa lũ làm các tuyến giao thông trọng điểm quốc lộ, tỉnh lộ bị sụt lở nhiều đoạn với khối lượng khoảng 500.000m3 đất đá; nhiều hạng mục công trình cầu, cống trên các tuyến quốc lộ, đường Ngọc Hoàng- Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Đông Trường Sơn, đường tuần tra biên giới bị xói lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Ước tổng thiệt hại khoảng trên 170 tỷ đồng.
Để ứng phó và khắc phục hậu quả, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình thực tế và làm việc với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp nhận và phân bổ vật tư (300 áo phao, 800 phao tròn, 50 bộ nhà bạt và 1 thiết bị đồng bộ chữa cháy rừng) từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cấp cho các địa phương, đơn vị có liên quan quản lý và sử dụng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng kịp thời tiếp nhận, phân bổ 500 tấn gạo hỗ trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai ở các huyện, thành phố.
Theo kế hoạch, để chủ động ứng phó với thiên tai, trong thời gian đến, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ngành, lực lượng vũ trang và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt phương châm "chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", trong đó lấy phòng tránh là chính; triển khai ngay một số biện pháp để ứng phó với mưa bão, lũ quét, sạt lở đất... trên địa bàn tỉnh. Các thành viên phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có kế hoạch kiểm tra tại các huyện, thành phố theo nhiệm vụ đã phân công phụ trách từng địa bàn.
Trong công tác kiểm tra, các thành viên ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chú trọng kiểm tra phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết khác sẵn sàng huy động các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ người, tài sản và công trình khi có sự cố do thiên tai gây ra; rà soát những làng, hộ dân sinh sống gần khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất đá…(vùng ven sông, suối, sườn núi, đồi dễ bị sạt lở...) kịp thời cảnh báo để người dân biết chủ động ứng phó, những vùng có nguy cơ cao phải kiên quyết tổ chức di dời dân đến nơi an toàn...
Chủ động phòng tránh và tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai, chúng ta sẽ góp phần quan trọng hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Văn Nhiên