Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Từ nhận thức đến hành động

31/05/2020 06:08

Sau 7 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng được môi trường không thuốc lá; tỷ lệ người hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức và hành động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá, hạn chế số người hút thuốc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh, những năm qua, ngành Y tế phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh về thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức như phát động phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học không khói thuốc; đăng tải thông tin trên báo chí; tổ chức các thảo luận nhóm, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của thuốc lá và tầm quan trọng của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.

Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thực hiện môi trường không thuốc lá, treo biển cấm hút thuốc lá; cấm hút thuốc lá khu vực trong cơ quan và khuôn viên của trường học. Đa phần các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú thực hiện tốt quy định cấm hút thuốc lá.

Hàng năm, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh thành lập đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc lá trên trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm qua, đã tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra phát hiện và xử phạt 109 vụ vi phạm về buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh, tiêu hủy hàng ngàn bao thuốc lá lậu các loại. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, các ngành chức năng cũng tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh về tác hại của việc sản xuất; từ đó, nêu cao ý thức không mua bán, tàng trữ vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả, thuốc lá lậu.

Thuốc lá lậu bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ, tiêu hủy. Ảnh: TH  

 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi, sử dụng thuốc lá có khả năng gây nghiện, trong khi đây là loại hàng hóa có giá bán rẻ, người dân rất dễ tiếp cận để mua bán; ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn thấp nên tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại một số nơi làm việc và công cộng còn diễn ra nhiều. Tại nhiều điểm bán thuốc lá, vẫn còn tình trạng trưng bày, khuyến mại không theo quy định…Bên cạnh đó, chế tài xử phạt quy định chưa rõ ràng, chưa sát thực tế nên hiệu quả không cao.

Bác sỹ Phùng Mạnh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Các hóa chất này khi vào cơ thể, tác động lên tế bào, gây viêm mạn tính, biến đổi tế bào dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được xếp vào nhóm các chất gây nghiện tương tự như heroin và cocain. Các thành phần độc tính trong khói thuốc là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch và các bệnh về hô hấp…

Khói thuốc lá cũng được xác định là nguyên nhân gây bệnh ở những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc, làm tăng 25 - 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ; nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc thụ động cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc…Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc lá cũng là yếu tố làm gia tăng chi phí thực hiện chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, ảnh hưởng đến môi trường.

“Để giảm tác hại của thuốc lá gây ra cho bản thân và cộng đồng, việc bỏ thuốc lá không bao giờ là muộn. Khi bỏ thuốc, cơ thể có khả năng tự phục hồi dần dần; nguy cơ mắc các bệnh do sử dụng thuốc gây ra giảm đáng kể. Để làm được điều này, yếu tố quyết định là quyết tâm của người hút thuốc. Bên cạnh đó, hiện nay, ngành Y tế cũng mở đường dây tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện thuốc lá”- bác sỹ Phùng Mạnh Dũng chia sẻ thêm.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với ngành Y tế, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định không hút thuốc lá ở nơi công cộng, trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc, giảm số lượng người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Thiên Hương

Chuyên mục khác