16/05/2025 06:00
|
Trong năm 2024, tỉnh ghi nhận 466 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều ở một số địa phương như thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 7 ca mắc sốt xuất huyết tại 7 thôn, làng.
Hiện nay, thời tiết bước vào giai đoạn giao mùa, mưa nắng đan xen là yếu tố thuận lợi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát trên diện rộng, trong đó, có sốt xuất huyết. Để giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh gây ra, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh đã xây dựng phương án, đề ra nhiều giải pháp phòng, chống bệnh.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Những năm qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh khá thấp so với các tỉnh trong khu vực, tuy nhiên, không vì thế mà có thể chủ quan, lơ là. Nhằm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố tiến hành giám sát chặt chẽ các chỉ số côn trùng, đánh giá mật độ muỗi vằn và chỉ số lăng quăng/bọ gậy tại các khu dân cư để đưa ra dự báo chính xác về nguy cơ hình thành ổ dịch, chủ động can thiệp sớm. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình, đây được coi biện pháp cốt lõi, lâu dài, ít tốn kém và hiệu quả nhất.
Năm 2024, huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất của tỉnh với 154 ca, chủ yếu tại thị trấn Đăk Rve, và 2 xã Tân Lập, Đăk Tờ Re. Rút kinh nghiệm hạn chế, tồn tại của năm trước, năm nay, huyện Kon Rẫy chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết từ sớm.
|
Ông Nguyễn Luận - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cho biết: Giải pháp được chúng tôi chú trọng thực hiện là tổ chức hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy; tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, huy động sự tham gia vào cuộc của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, triển khai giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch; đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực sẵn sàng với mọi tình huống; tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời đối với các ca bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng, tử vong.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của trung tâm y tế, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Kim Văn – Phụ trách Trạm Y tế xã Tân Lập chia sẻ: Xác định vai trò then chốt của cộng đồng trong công tác phòng bệnh, Trạm phối hợp với các cơ quan, đoàn thể của xã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân bằng nhiều hình thức như trên loa phát thanh, tờ rơi, truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, thôn làng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt dọn vệ sinh môi trường, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn xã, trong đó, chú ý tăng cường tại những nơi tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch cao như khu vực chợ, khe suối, rãnh nước.
Tinh thần chủ động cùng những giải pháp đồng bộ của huyện Kon Rẫy bước đầu đã cho hiệu quả tích cực. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Thành phố Kon Tum là địa bàn trung tâm của tỉnh, mật độ dân cư đông, có nhiều công trình xây dựng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch sốt xuất huyết lưu hành và lây lan rộng.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp các xã, phường tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết; huy động các hộ dân, cơ quan, đơn vị mỗi tuần dành thời gian 10 phút để kiểm tra và xử lý triệt để các ổ lăng quăng/bọ gậy.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (tổ dân phố 7, Phường Quang Trung) chia sẻ: Tôi luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện theo nội dung tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương và nhân viên y tế về biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Đó là thường xuyên kiểm tra, thu gom, tiêu hủy các vật dụng chứa nước như chai lọ cũ, lốp xe ở trong nhà, ngoài vườn; tham gia dọn vệ sinh tại khu dân cư để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, không có nơi cho muỗi truyền bệnh trú ngụ, sinh sôi; bỏ màn khi đi ngủ để tránh muỗi đốt.
Dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm của mùa dịch, nhưng nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát luôn hiện hữu. Để thực hiện hiệu quả công tác này, không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng mà đòi hỏi sự chủ động, tự giác của mỗi người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và an toàn cộng đồng.
Thiên Hương