15/06/2018 18:00
Theo đoàn công tác của Sở Y tế đến thăm một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống sốt xuất huyết, ở rất nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy công tác triển khai thực hiện của trạm y tế cũng như người dân đã có nhiều tiến bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực tham gia hưởng ứng rất nhiều.
|
Ông A Beng - già làng thôn Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông chia sẻ: Cán bộ y tế thôn thường xuyên phối hợp với già làng vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh. Đặc biệt, định kỳ hàng quý tổ chức phát quang bụi rậm quanh làng, lấp các hố nước quanh nhà, không chứa nước đọng tại các điểm đặt hệ thống nước tự chảy của làng để phòng bệnh sốt xuất huyết. Nhờ đó, mấy năm nay, người dân trong làng ít bị mắc bệnh sốt xuất huyết!
Ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong những năm qua, với sự thay đổi bất thường của thời tiết, tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp và thường phát triển thành dịch ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, trong đó đã có 8/10 huyện, thành phố ghi nhận có bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue. Trước tình hình đó, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống đặc hiệu, kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng, hạn chế số người mắc do sốt xuất huyết Dengue.
|
Biện pháp thường triển khai đó là tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các địa bàn có yếu tố nguy cơ cao, tăng cường hoạt động của các đội xung kích tại các thôn, làng, tổ dân phố có ổ dịch để vận động và cùng người dân thực hiện, duy trì công tác vệ sinh môi trường, đổ bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết, diệt các ổ lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông để người dân nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh, đến cơ sở y tế điều trị kịp thời và tích cực tham gia phòng chống dịch; chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố và các trạm y tế, nhân viên y tế thôn làng thường xuyên thăm hộ gia đình, cùng với người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường.
Nhờ đó, năm 2016 toàn tỉnh ghi nhận 3.433 trường hợp mắc, với 2 trường hợp tử vong; nhưng đến năm 2017, ghi nhận 571 trường hợp mắc, giảm trên 16,63 lần, không có trường hợp tử vong. Riêng 4 tháng đầu năm nay, ghi nhận 28 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Trong đó, thành phố Kon Tum 13 trường hợp, các huyện: Đăk Hà 1 trường hợp, Đăk Tô 1 trường hợp, Ngọc Hồi 10 trường hợp, Sa Thầy 3 trường hợp, giảm 28 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đào Duy Khánh cho biết thêm: Trong thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố và các trạm y tế tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát bệnh truyền nhiễm hàng tháng, phân công cho cán bộ y tế phụ trách địa bàn cụ thể để giám sát dịch bệnh, xử lý trách nhiệm các cán bộ y tế lơ là và thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để người dân biết các dấu hiệu mắc bệnh và đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Đặc biệt, triển khai thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung các nguồn lực để xử lý ổ dịch kịp thời, chậm nhất trong vòng 48 giờ, đảm bảo các kỹ thuật chuyên môn trong quá trình xử lý ổ dịch, tuyệt đối không để các vấn đề về kinh phí, nhân lực, hóa chất, trang thiết bị… ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các ổ dịch. Đồng thời, đội chống dịch cơ động, cơ sở thu dung, thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng... luôn đầy đủ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch xảy ra.
Đối với cá nhân, vận động từng thành viên gia đình thực hiện các biện pháp thông thường phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, chú trọng loại bỏ các ổ lăng quăng, bọ gậy và diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt. Đối với cộng đồng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và mỗi hộ gia đình cần tích cực tham gia tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần …
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc