Phòng chống sốt xuất huyết: Hiệu quả, nhưng không thể chủ quan

07/08/2019 13:00

Với việc nhận định đúng tình hình dịch bệnh và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả, thời gian qua, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế và hạn chế được số ca mắc bệnh. Tuy nhiên, trước những diễn biến thất thường của thời tiết và tình hình dịch bệnh, vẫn rất cần đề cao cảnh giác.

Theo thống kê của Sở Y tế, tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 517 trường hợp mắc SXH với 203 ổ dịch. Trong đó, nhiều nhất là thành phố Kon Tum, tiếp đến là các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Glei, Đăk Tô, Ngọc Hồi… So với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, số ca mắc SXH của Kon Tum thấp nhất và chưa có trường hợp nào tử vong.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đây là kết quả từ sự nỗ lực của ngành Y tế cùng sự tham gia của cả cộng đồng. Xuất phát từ nhận định năm nay là năm theo chu kỳ của SXH và các yếu tố dịch tễ khác nên việc bùng phát dịch trên địa bàn là khó tránh khỏi, do đó, Sở Y tế chỉ đạo mạng lưới cơ sở y tế từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, công tác giám sát và xử lý các ổ dịch được đặt lên hàng đầu với rất nhiều biện pháp như tổ chức đánh giá các khu vực nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất phòng dịch; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong; chủ động phát hiện và xử lý ngay các ổ dịch. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy được triển khai rộng khắp với phương châm “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Đây được xem là biện pháp cốt lõi, mang tính quyết định và lâu dài trong phòng chống SXH.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Đăk Tô. Ảnh: kontum.gov.com.vn

 

Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 35 đợt phun hóa chất diệt muỗi SXH, 381 đợt phun hóa chất kèm diệt lăng quăng/bọ gậy. Tại các địa phương, các xã, thị trấn mỗi tháng ra quân 1 lần, mỗi thôn/tổ dân phố thực hiện 1 lần/tuần diệt lăng quăng/bọ gậy. Toàn tỉnh thành lập được 703 đội xung kích và các đội này tổ chức được 5.130 đợt dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy. Ngành Y tế tỉnh kiện toàn, duy trì hoạt động của 2 đội chống dịch cơ động tuyến tỉnh và 20 đội tuyến huyện để kịp thời ứng phó, xử lý tình hình dịch bệnh.

Công tác tuyên truyền, truyền thông, vận động nhân dân chủ động phòng chống SXH được chú trọng, nhất là trong việc tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy.

Ngoài ra, để chủ động trong công tác chống dịch, các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm đáp ứng sẵn sàng, đầy đủ về cơ sở thu dung, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu...

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh, thời gian qua, công tác phòng chống SXH ở một số nơi còn có những bất cập, hạn chế: Có địa phương chưa tích cực phối hợp với ngành Y tế để triển khai biện pháp cốt lõi phòng chống dịch là vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng/bọ gậy hoặc có làm nhưng không triệt để; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là với việc phòng chống bệnh, nhất là chưa nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy; nhiều hộ gia đình không chấp hành công tác phòng chống dịch bệnh…

Theo bác sĩ Đào Duy Khánh, hiện nay, Kon Tum đang bước vào mùa mưa, thời tiết diễn biến thất thường và giai đoạn này chính là thời gian cao điểm của mùa dịch bệnh SXH. Thực tế, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng và ngành Y tế đã kịp thời triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống. Song, để công tác phòng chống dịch bệnh thực sự hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm của người dân.

Từ nay đến hết tháng 9, tỉnh ta đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, tích cực, chủ động của ngành Y tế, cùng sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của chính quyền các cấp và người dân, tin rằng sẽ hạn chế số ca mắc SXH trên địa bàn, không để bệnh SXH bùng phát thành dịch, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác