Phòng, chống kháng thuốc: Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh

12/05/2019 06:30

Kháng thuốc là hiện tượng các mầm bệnh như: vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng không bị diệt dù người bệnh đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Vì thế, kháng thuốc làm cho các lần điều trị sau trở nên kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Hiện nay, không có kháng sinh đặc hiệu để điều trị, nên kháng thuốc làm bệnh nặng hơn, thời gian chữa trị lâu hơn, chi phí điều trị và chăm sóc người bệnh tốn kém hơn, thậm chí gây tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.

Hiện nay, tình trạng mua thuốc kháng sinh dễ dàng tại rất nhiều nhà thuốc trên địa bàn và thói quen của nhiều người khi có bệnh không đi khám tại các cơ sở y tế mà đến thẳng các nhà thuốc, quầy thuốc để mua thuốc còn rất nhiều. Hơn nữa, thói quen dùng thuốc không đủ liều của nhiều người khi thấy bệnh đỡ sau một vài liều kháng sinh không phải ít. Trong khi đó, các dược sĩ bán thuốc theo kiểu bệnh gì cũng phải dùng kháng sinh mà không cần đến đơn thuốc của bác sĩ vẫn còn phổ biến.

Trên thế giới, ở những nước phát triển đều có hệ thống labo xét nghiệm định danh vi rút giúp bác sĩ kê đơn chính xác loại kháng sinh cần sử dụng trong điều trị cho từng bệnh nhân, nhưng ở Việt Nam, nhiều bệnh viện tuyến trên và hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh trở xuống, các bác sĩ sử dụng kháng sinh trong điều trị cho bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm là chính.

Bác sỹ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc có 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, nên chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân. 

Tổ chức Y tế Thế giới đã liệt Việt Nam vào danh sách nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu với việc xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh).

Tại tỉnh ta, hiện nay, chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ kháng kháng sinh, tuy nhiên cũng không thấp hơn mức trung bình của toàn quốc bởi nhiều yếu tố, trong đó kể cả khách quan lẫn chủ quan.

Một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng đó là tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi, dùng thuốc kháng sinh cho vật nuôi tùy tiện, không tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và cán bộ thú y về liều lượng, đường dùng, cách dùng, thời gian dùng; không tuân thủ đúng quy định về thời gian giết mổ vật nuôi tính từ ngày ngừng sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi đó trong nhiều năm qua đã và đang để lại những hệ lụy cho sức khỏe người dân bởi tình trạng kháng kháng sinh ngày một gia tăng.

Từ năm 2018 trở về trước, các hoạt động phòng, chống kháng thuốc đã được ngành Y tế tỉnh triển khai thực hiện, tuy nhiên mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến nội bộ trong ngành Y tế tỉnh như: khuyến cáo bác sĩ không lạm dụng kháng sinh trong chữa bệnh và tổ chức tuần lễ phòng, chống kháng thuốc hàng năm…

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: VH

 

Để hạn chế tình trạng kháng thuốc cho người dân, từ năm 2019, ngành Y tế tỉnh đã triển khai một loạt các biện pháp phòng, chống kháng thuốc nói chung và phòng, chống kháng kháng sinh nói riêng như: tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức về phòng, chống kháng thuốc; tăng cường công tác truyền thông và phát động tháng hành động phòng, chống kháng thuốc; xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc tại các cơ sở khám bệnh và chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; triển khai các biện pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng; tăng cường công tác quản lý, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và thực hiện các giải pháp quản lý các hiệu thuốc, quầy thuốc bán thuốc kháng sinh kê đơn…

Bác sỹ Đào Duy Khánh khuyến cáo: Đối với người dân bị mắc bệnh chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn; luôn sử dụng kháng sinh đúng theo kê đơn và hướng dẫn của cán bộ y tế; sử dụng đúng liều lượng, đúng đường dùng, đúng thời gian; không bỏ dở giữa chừng việc điều trị kháng sinh ngay cả khi thấy sức khỏe khá hơn; không sử dụng thuốc kháng sinh thừa của lần điều trị trước hoặc chia sẻ cho người khác; không sử dụng kháng sinh theo đơn của người khác khi thấy có một số dấu hiệu, triệu chứng bệnh giống nhau. Bên cạnh đó, người dân bị mắc bệnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay, che miệng khi hắt hơi, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, thực hiện an toàn tình dục và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Đối với người chăn nuôi gia súc chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi theo đơn thuốc của cán bộ thú y, bỏ dần và tiến tới ngừng sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi vì mục đích kích thích tăng trưởng, tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, đồng thời vệ sinh và chăm sóc vật nuôi tốt để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm…

Vĩnh Hà

 

Chuyên mục khác