09/03/2020 13:10
Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh ta làm cho khoảng 7.200 con lợn của hơn 1.350 hộ chăn nuôi ở 174 thôn, làng của hơn 60 xã, phường, của 10 huyện, thành phố bị mắc bệnh và tiêu hủy. Với sự nỗ lực, chủ động của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân, dịch tả lợn Châu Phi được khống chế. Thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, ở nhiều địa phương đã qua 30 ngày không phát hiện thêm gia súc mắc bệnh, thậm chí có địa phương chuẩn bị công bố hết dịch thì lại tái phát.
Các ổ dịch mới phát sinh và tái phát xảy ra tại 6 hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ ở 5 xã của 3 huyện, thành phố trong tỉnh. 5 xã, phường có gia súc bị tái phát bệnh là xã Đăk La (huyện Đăk Hà); Tân Cảnh, Diên Bình (huyện Đăk Tô), phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) và xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà).
Theo ông Hà Thanh Lâm - Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh) cho biết, dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục phát sinh lẻ tẻ tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tái phát tại các ổ dịch cũ và các hộ chăn nuôi thả rông trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ sử dụng thức ăn thừa, không qua nấu chín, chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi không bảo đảm vệ sinh… Đơn cử như ở xã Diên Bình, hai con bị mắc bệnh là 2 con lợn nái, được nuôi ở 2 chuồng khác nhau và nguồn lây bệnh nghi xuất phát từ thức ăn dư thừa…
Còn ở huyện Đăk Hà, cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2019 phát sinh thêm ổ dịch mới ở một số hộ gia đình tại thôn 1A (xã Đăk La) với 10 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy và 12 con lợn mắc bệnh tại các hộ gia đình ở thôn 13 (xã Đăk Hring) đã được tiêu hủy.
Ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum), trong năm 2019 ghi nhận 25 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, nhưng được khống chế kịp thời nên không hình thành ổ dịch và không lây lan ra diện rộng. Tưởng chừng đã dập được dịch bệnh hoàn toàn, thì từ ngày 9 đến 18/2, trên địa bàn phường ghi nhận sự xuất hiện dịch bệnh trở lại tại khu vực chăn nuôi của 2 hộ gia đình là hộ ông Nguyễn Đại Chính (trú ở Tiểu đoàn 17, thuộc Sư đoàn 10) với 3 con lợn mắc bệnh trên tổng đàn 59 con và hộ gia đình ông Nguyễn Bá Hậu (trú tại tổ dân phố 1) với số lượng 18 con trong tổng đàn 74 con mắc bệnh. Ngay sau đó, phường Trường Chinh phối hợp cùng cơ quan thú ý tiến hành xử lý tiêu hủy số gia súc mắc bệnh và triển khai biện pháp tiêu trùng, khử độc khu vực chuồng trại và xung quanh khu vực có lợn nhiễm bệnh.
|
Cũng theo ông Hà Thanh Lâm, việc ngăn chặn triệt để đối với dịch tả lợn Châu Phi rất khó khăn, bởi hiện nay chưa có vắc xin đặc trị. Công tác phòng bệnh hiện chủ yếu dựa vào ý thức của người dân. Nếu ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao thì rất khó ngăn chặn một cách triệt để. Qua theo dõi dịch bệnh, hầu như các trường hợp bị dịch tả lợn Châu Phi chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác chăm sóc trong quá trình chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn sinh học chưa được chú trọng…
Mặc dù được lực lượng thú y thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng dịch nhưng một số người dân vẫn chưa thực sự nêu cao ý thức trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Người dân vẫn chủ quan, chuồng trại chưa đảm bảo, không thực hiện vệ sinh kỹ càng hàng ngày, còn sử dụng thức ăn dư thừa, không được nấu chín làm thức ăn cho lợn…
Cho đến nay, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi được chính quyền địa phương phối hợp ngành chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời xử lý những ổ dịch phát sinh theo đúng quy trình kỹ thuật đề ra nên đã ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện thêm ổ dịch nào mới. Hiện tại, cơ quan chuyên môn tại các địa phương này đang tích cực theo dõi, điều trị lợn mắc bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh lây lan.
Ông Hà Thanh Lâm cho biết: Hiện nay, Chi cục đã cử cán bộ chuyên môn xuống cùng cán bộ chuyên môn ở cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và các loại dịch bệnh khác trên gia súc; hướng dẫn nhân dân cách dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, các phương tiện chăn nuôi và tuyên truyền người dân không sử dụng thức ăn sống cho lợn ăn mà phải nấu chín nhằm hạn chế mầm bệnh; hướng dẫn các địa phương về điều kiện tái đàn lợn trong và sau thời gian có dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời giám sát chặt chẽ công tác tái đàn để bảo vệ đàn gia súc.
Ông A Đưa - Phó Chủ tịch UBND phường Trường Chinh khẳng định với chúng tôi về các giải pháp đang được triển khai với quyết tâm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi nhằm bảo vệ chăn nuôi của người dân: Phường Trường Chinh thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh với phương châm “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, các hộ chăn nuôi tập trung phải có biện pháp, phát triển đàn heo theo hướng bền vững, an toàn và bảo đảm vệ sinh môi trường. Người dân phải triển khai đồng bộ công tác phòng ngừa dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, không cho lợn ăn thức ăn sống mà phải nấu chín. Đặc biệt, người dân thực hiện đúng khuyến cáo: Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch; không giấu dịch, không mua bán vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết; không vứt động vật chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý triệt để…
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh tiếp tục phân công cán bộ phối hợp và hướng dẫn cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng và tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; kiểm tra, giám sát công tác khử trùng tiêu độc, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc trên địa bàn các huyện, thành phố và hướng dẫn các địa phương về điều kiện tái đàn lợn trong và sau thời gian có dịch bệnh dịch tả lợn Châu phi, đồng thời giám sát chặt chẽ công tác tái đàn…
Với tinh thần quyết liệt, không chủ quan, lơ là của chính quyền các cấp và ngành chức năng, với sự nâng cao ý thức phòng bệnh trong chăn nuôi của người dân, hy vọng chúng ta hoàn toàn khống chế, ngăn chặn không để dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, nhằm bảo vệ, phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế của người dân.
Phúc Nguyên