Phòng cháy hơn chữa cháy

10/05/2023 06:05

Ai cũng biết “phòng cháy hơn chữa cháy”. Nhưng chừng nào chúng ta còn nặng về hình thức, chỉ treo băng rôn và hô vang khẩu hiệu này, thì cháy nổ luôn là ẩn họa khó lường.

1. Nói thật tình, khi nghe một người quen báo tin bãi chứa phế liệu của gia đình anh bị cháy, tôi đã không ngạc nhiên. Bởi trước đây, tôi từng nhắc nhở, cảnh báo anh mấy lần về nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.

Gia đình anh có cơ sở thu gom phế liệu ở một phường nội thành của thành phố Kon Tum. Về nguyên tắc, anh đã phải chuyển ra khỏi nội thành từ lâu theo chủ trương của chính quyền thành phố, nhưng cứ nấn ná mãi. Và tôi cũng bất ngờ khi cơ sở của anh vẫn tồn tại được.

Phế liệu thu gom về, phải nói là thượng vàng hạ cám, chất đống trước sân, sau nhà, một số thứ còn khá tốt được phân loại chất trong nhà, dưới bếp. Bãi đất trống cạnh nhà cũng ngổn ngang phế liệu, chủ yếu là rác thải nhựa, cao su.

Trong một lần đến chơi, tôi thấy chị vợ đang nhóm lò than nấu nước ngay cạnh bãi phế liệu. Chiếc quạt máy thổi thốc vào lò, khiến than bắt lửa nhanh, nổ lép bép, những tàn lửa nổ bung ra, vẽ lên khoảng không những nét lửa ngang dọc.

Trời đất, sao chị chủ quan vậy. Để xa xa một chút, lỡ bắt lửa vào đống phê liệu nhựa này thì sao? Tôi hoảng hồn. Anh cười hì hì: Đừng sợ, không có chuyện gì đâu, lâu nay vẫn làm như thế, cô ấy quen rồi.

Nghe vậy, tôi thật sự thấy lo lắng.

Cần nâng cao ý thức phòng cháy. Ảnh: T.H

 

Thế rồi sự việc không may cũng xảy ra. Nhận được tin báo cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tới hiện trường, nhanh chóng khống chế và dập tắt đám cháy, không để cháy lan ra khu vực xung quanh.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người. Nhưng đó chính là lời cảnh báo không thể xem thường.

2. Câu chuyện với một công nhân làm ở xưởng mộc trong làng nghề từng ám ảnh tôi nhiều ngày. Hôm ấy, trong xưởng, cậu ta cùng với nhiều người khác đang tất bật hoàn thành nốt bộ khung nhà bằng gỗ cho khách hàng.

Gọi là xưởng, nhưng đó là một căn nhà vách gỗ, mái lợp tôn lụp xụp, bên trong chất đầy gỗ sơ phẩm, ván, các sản phẩm từ gỗ, mảnh gỗ vụn, mùn cưa và những cỗ máy nặng nề. Trên mái, dưới vách, những sợi dây điện bò loằng ngoằng.

Đang là ban ngày nhưng vẫn phải bật bóng đèn điện vàng quạch. Trong cái không gian bí bức, nóng hầm hập và bụi mù mịt ấy, 4-5 người cặm cụi làm. Mỗi lần máy cưa công suất lớn chạy, bóng đèn điện lại lịm đi, có lẽ là do cuối nguồn, điện yếu.

Nhìn đống mùn, vụn gỗ cao ngập đầu gối dưới bệ máy cưa, lấp cả dây điện, tôi lo lắng: Thế này thì không ổn. Nhà xưởng thấp, chật chội, nóng bức, dây điện giăng khắp nơi, toàn những thứ dễ bắt lửa như thế này, lỡ xảy ra cháy thì làm thế nào?

Đã từng cháy một lần rồi đấy ạ- một công nhân nói- May mà hôm ấy chỉ có vài người, anh em nhanh trí xử lý kịp thời, nếu không thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Chủ xưởng cũng cần xem có biện pháp gì để phòng ngừa hay không, chứ kiểu này nguy hiểm quá ạ.

Đúng đấy, không đùa với... lửa được đâu. Ông bà ta đã có câu “nhất thủy, nhì hỏa” rồi- tôi đồng tình. Chủ xưởng cười cười, rồi nói sang chuyện khác.

3. Có thể nói, thờ ơ, lơ là, chủ quan với phòng cháy đang là “căn bệnh” chung của nhiều người, nhiều gia đình và doanh nghiệp. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ hỏa hoạn để lại hậu quả nặng nề.  

Qua phân tích thực tế các vụ cháy cho thấy, ngoài những yếu tố khách quan thì nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là do ý thức của con người. Theo một cán bộ từng tham gia nhiều vụ chữa cháy, từ tâm lý chủ quan của người dân,  ý thức tự đảm bảo an toàn cho mình chưa cao, còn ỷ lại các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, do tâm lý xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy mà đa số gia đình chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy khi xây dựng nhà cửa.

Nhiều hộ gia đình còn có thói quen tự ý lắp đặt thêm những thiết bị điện có công suất lớn, sử dụng điện bừa bãi mà không chú ý đến việc đảm bảo an toàn dẫn đến các vụ cháy do chập điện- anh nói.

Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ chú trọng đến lợi nhuận kinh tế mà không quan tâm việc đầu tư công tác phòng cháy chữa cháy.

Cụ thể như một số cơ sở lắp đặt, sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm nhưng không bảo trì nên quá trình hoạt động dễ phát sinh cháy, nổ; nhà xưởng, nhà kho chứa nhiều chất cháy nhưng không có giải pháp chống cháy phù hợp; nhà kho chưa chú trọng khâu vệ sinh, còn tình trạng câu móc điện tùy tiện.

Ai cũng biết “phòng cháy hơn chữa cháy”. Nhưng chừng nào chúng ta còn nặng về hình thức, chỉ treo băng rôn và hô vang khẩu hiệu này, thì cháy nổ luôn là ẩn họa khó lường.

Để phòng cháy hiệu quả, yếu tố mang ý nghĩa quyết định vẫn là ý thức và hiểu biết của người dân trước hiểm họa cháy nổ.  

Trong đó, bản thân mỗi người cần quan tâm, dành thời gian tham gia các lớp, các hoạt động tập huấn về phòng cháy, chữa cháy để có kiến thức bảo vệ mình và người thân, nhất là kỹ năng phòng cháy, xử lý và sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ khi có cháy xảy ra.

Tôi nhớ lại ở xưởng mộc kể trên, trên bức vách gỗ sát nơi đặt lò than có một lỗ thủng, được bịt lại bằng một mảnh băng rôn viết dòng chữ: “Phòng cháy hơn chữa cháy”.

Nhưng bên dưới chất đầy mùn cưa, vụn gỗ và những đoạn dây điện chạy loằng ngoằng, nhiều mối nối được quấn nilon xanh đỏ.

Rõ ràng là khẩu hiệu “phòng cháy hơn chữa cháy” không chỉ cần “học thuộc”, mà còn phải được áp dụng hiệu quả.

Thành Hưng

Chuyên mục khác