Phía sau cánh cửa mỗi nhà

12/06/2023 13:17

Tôi cứ nghĩ mãi về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, về bạo lực gia đình khi vô tình chứng kiến chuyện buồn của một gia đình nọ.

Chuyện là khi ghé vào một quán tạp hóa trên tuyến phố lớn ở thành phố Kon Tum, đã chứng kiến cảnh anh chồng tay cầm nguyên một chai rượu trắng, liên tục chửi rủa, đuổi người vợ ra khỏi nhà. Sau cả tràng dài lảm nhảm chửi rủa, anh chồng lại ngửa cổ, dốc chai tu ngụm rượu, tay vứt thứ nọ, chân đá thứ kia. Trái ngược với anh chồng hung hăng thì chị vợ có phần lặng lẽ, nhẫn nhịn. Nhìn chị ráng nở nụ cười với tôi để bán hàng, để kiếm đồng lời chăm chút cho gia đình lại nghĩ mà thương.

Phải lâu lắm rồi, tôi mới bắt gặp lại cảnh này. Cứ nghĩ rằng cuộc sống phố phường hiện đại, trình độ dân trí cao, đời sống vật chất có nhiều cải thiện sẽ ít đi những câu chuyện buồn khuất sau cổng ngõ của mỗi gia đình. Nhưng ở đâu đó, ở nơi này, nơi kia, những câu chuyện buồn vẫn cứ diễn ra. Hoặc ồn ào quát tháo, đồ đạc loảng xoảng như nhà anh chị, hoặc là những lời lẻ sỉ nhục, thiếu quan tâm, ai làm việc nấy kiểu chấp nhận “sống chung với lũ”.

Cùng với nhà trường, gia đình có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ. Ảnh: NP

 

Khi nói đến bạo lực gia đình nhiều người vẫn nghĩ phải đi cùng với đánh đập, gây nên thương tích. Nhưng, như vậy là chưa đầy đủ. Bạo lực gia đình có bạo lực về tinh thần và bạo lực về thể chất. Nếu bạo lực về thể chất gây thương tích thân thể, đau đớn về xác thịt và thường diễn ra trong các gia đình khó khăn về kinh tế thì bạo lực về tinh thần là nỗi đau đớn, bức bối về tâm trạng, có những trường hợp đến mức stress, trầm cảm. Bạo lực tinh thần ít ồn ào, khiến cho người ngoài khi nhìn vào nhầm tưởng đó là mẫu gia đình hạnh phúc, nhưng thực chất giữa các thành viên trong gia đình, mà chủ yếu là vợ - chồng đang “chiến tranh lạnh”. Kiểu bạo lực này xuất phát chủ yếu từ không đồng nhất về quan điểm, ngoại tình và đến khi bùng nổ thì hậu quả khó lường.

Theo kết quả điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực; cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục; có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an; bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP.

Con số thống kê đã khiến cho không ít người cảm thấy quan ngại. Quan ngại bởi lẽ, phụ nữ lâu nay vẫn được xem là “phái yếu” lại đang bị chính người trong gia đình vẫn được xem là “phái mạnh” bạo hành. Phải khẳng định rằng với các tiến bộ xã hội, chị em phụ nữ đã được quan tâm, bảo vệ để đạt được quyền bình đẳng, quyền hưởng tự do và hạnh phúc. Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều, không ít người phụ nữ hôm nay vẫn chưa hết những thua thiệt, đắng cay khi phải hứng chịu các hành vi đánh đập, mắng chửi, đe dọa, sử dụng vũ lực, tạo áp lực về tinh thần ngay từ chính người chồng. Vì sao lại vậy? Phải chăng vì tâm lý “xấu chàng hổ ai” hay vì tư tưởng trọng nam khinh nữ, những hủ tục trói buộc người phụ nữ từ bao đời nay?

Quay trở lại chuyện của gia đình mà tôi vô tình chứng kiến. Nhìn anh chồng luôn miệng chửi rủa, chửi rủa đến khô miệng lại dốc chai uống ngụm rượu khiến tôi liên tưởng đến nhân vật Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Còn chị rất buồn, nỗi buồn thể hiện rõ ở trên gương mặt hằn những nếp nhăn chất chứa bao nỗi khổ đau, nhẫn nhịn. Tôi thầm nghĩ, liệu các con của anh chị sẽ cảm thấy ngột ngạt như thế nào khi cha mình lại có những kiểu hành xử thiếu đi tình thương yêu, thiếu đi sự gắn kết như vậy? Liệu gia đình họ cứ thế mà cùng nhau chấp nhận theo kiểu “sống chung với lũ”? Liệu còn bao nhiêu gia đình nữa như gia đình anh chị mà các thành viên hằng ngày vẫn phải cố chịu đựng lẫn nhau để mà tồn tại, mà sống. Và còn bao nhiêu gia đình nữa khi nhìn vào cứ tưởng hạnh phúc tựa như hoa nhưng thực chất khuất sau cánh cổng nhà là bao nỗi đau đớn mà những người phụ nữ phải chịu đựng: bị chồng đe dọa, tạo áp lực, bị bỏ rơi, thiếu quan tâm, chăm sóc.

Trong một gia đình mà mối liên kết giữa các thành viên lỏng lẻo, trái ngược nhau  kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, thì từ việc phát triển kinh tế gia đình đến việc giáo dục, chăm chút con cái đều vô cùng khó khăn. Vợ chồng bất hòa, không chung chí hướng nên khó mà cùng nhau bàn bạc chuyện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, con cái không biết nên nghe theo cha hay nghe theo mẹ, không biết đâu là đúng, đâu là sai, không cảm nhận được sự bao bọc, chở che, yêu thương từ chính mái ấm gia đình. Nếu đứa trẻ thiếu đi sự mạnh mẽ thì lâu dần bị tổn thương, chán nản, dễ nổi loạn (thực tế theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng thì phần lớn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đều xuất thân trong những gia đình mà bố mẹ bất hòa, mâu thuẫn, ly dị).

Vẫn biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, khó mà có công thức chung cho mỗi gia đình. Nhưng, để bớt đi những câu chuyện buồn sau cánh cửa mỗi nhà, để giảm bớt đi số vụ bạo lực gia đình thì sự tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, yêu thương, chung sức xây dựng nhà là nơi trở về, gia đình là nơi yêu thương vẫn là điều quan trọng hơn cả.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác