Phát triển vùng đồng bào DTTS

10/03/2024 06:18

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển. Vì vậy, việc định hướng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng để góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh là vấn đề cấp thiết, được tỉnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ.

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành chức năng trong triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, bộ mặt kinh tế- xã hội và quốc phòng-an ninh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao; niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường, củng cố.

Một trong những điều dễ nhận thấy là hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng hoàn thiện và đồng bộ; mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Hàng loạt các tuyến đường, công trình huyết mạch được đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở mới như đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh thành phố Kon Tum, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B; các tuyến tỉnh lộ như 671, 675, 677, 678, 674, đường tái định cư thủy điện Plei Krông; đoạn tránh đèo Văn Rơi; đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh…

Kon Tum là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: H.T

 

Các chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS đều đạt và vượt mức đề ra. Tiêu biểu như tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đất ở đạt 98,56%; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất đạt 98,47%; tỷ lệ hộ gia đình vùng đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,1%. Toàn tỉnh còn 9.716 hộ nghèo người DTTS (chiếm 6,5% tổng số hộ dân) và 5.867 hộ cận nghèo người DTTS (chiếm 3,92% tổng số hộ dân); trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn bình quân giảm 3-4%/năm. 

Hệ thống trường, lớp vùng DTTS&MN ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các DTTS được triển khai tích cực. Toàn tỉnh hiện lưu giữ khoảng 2.500 bộ cồng chiêng, có 409/503 thôn, làng DTTS tại chỗ bảo tồn, khôi phục được nhà rông truyền thống.

Đặc biệt, triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp, các ngành và các địa phương của tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ trên các mặt. Trong đó, tiêu biểu là cấp tỉnh đã xây dựng 2 mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động tại xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) và xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei); huy động trên 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS xây dựng, sửa chữa nhà ở và cung cấp giống heo để chăn nuôi...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế nhất định; trong đó nguyên nhân chính đến từ việc đồng bào DTTS nghèo vốn có điểm xuất phát thấp, thường sống ở vùng sâu, vùng khó khăn nên nhận thức, tư duy, nếp nghĩ còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới.

Vùng DTTS được tỉnh quan tâm đầu tư với nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, cải thiện sinh kế hiệu quả. Ảnh: HT

 

Do vậy, để họ ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo là một công việc khó khăn và đòi hỏi thời gian lâu dài, Đảng và Nhà nước và các ngành, các cấp cần phải có những chủ trương, chính sách phù hợp, kết hợp với việc tuyên truyền, vận động hợp lý; tăng cường bám cơ sở, vận động quần chúng nhân dân vùng đồng bào DTTS chấp hành tốt pháp luật, nâng cao cảnh giác, không tin, nghe theo lời kẻ xấu, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ dân trí, hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong vùng; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đồng bào DTTS tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng.

Nhưng quan trọng hơn hết, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS ở các địa phương cơ sở phải nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế cùng những khó khăn, thách thức của vùng đồng bào DTTS. Qua đó, phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên, xác định vùng đồng bào DTTS là vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng- an ninh trên địa bàn.  

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác