Phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới

01/12/2022 06:02

Trong kế hoạch, chiến lược phát triển của Trung ương và của tỉnh Kon Tum đều đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm.

Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững.

Trong đó, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy, như: Lễ cưới truyền thống của người Ba Na, lễ cưới truyền thống của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Mơ Nâm, lễ làm chuồng trâu của người Xơ Đăng - nhóm Mơ Nâm, lễ bỏ mả của người Rơ Măm, lễ mừng lúa mới của người Rơ Măm, lễ cưới truyền thống của người Rơ Măm; khôi phục 9 nghề thủ công truyền thống của 7 DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, gồm: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa đạt kết quả, có 587/1.045 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 56%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 74%.

Nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Sông Côn

 

Thông tin-truyền thông phát triển mạnh mẽ; công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ phát thanh-truyền hình từng bước được nâng cao, phong phú về nội dung, đa dạng loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin và giải trí của nhân dân.

Xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng, với việc các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục-đào tạo chuyển biến tích cực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 đạt 95,74%, năm 2018 đạt 95,87%, năm 2019 đạt 91,47%, năm 2020 đạt 97,69%, năm 2022 đạt 97,49%. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở được duy trì và nâng cao.

Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên. Tuổi thọ trung bình tăng từ 66,2 tuổi năm 2015 lên 66,8 tuổi năm 2020. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2020 là 36% (giảm 3,3% so với năm 2015); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 23,7% (năm 2015) xuống 20,9% (năm 2020).

Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tích cực, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,424% (năm 2015) xuống còn 1,2% vào năm 2020. Có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; số giường bệnh/1 vạn dân đạt 38,5 giường.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nâng lên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 90,6%. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các chương trình, dự án đối với đồng bào DTTS, miền núi được tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; tỷ lệ giảm nghèo giai đoạn 2015-2020 đạt 4,05%/năm.

Lễ dựng cây nêu mừng nhà rông mới. Ảnh: Sông Côn

 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đạt được, lĩnh vực văn hóa, con người cũng còn tồn tại, hạn chế. Đó là môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số DTTS có nguy cơ mai một dần.

Một bộ phận cư dân có những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quay lưng lại với những giá trị truyền thống của dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng.

Vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế trong quản lý văn hóa. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa có mặt còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đẩy nhanh việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Xác định rõ giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể. Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn," “đền ơn đáp nghĩa,” “tương thân tương ái".

Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên.

Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội.     

Sông Côn

Chuyên mục khác