Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân

02/09/2019 13:03

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ kính yêu lúc nào cũng nghĩ và chăm lo cho dân, cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Làm theo lời Bác, vượt qua những khó khăn thử thách, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Bác.

Thực hiện lời căn dặn của Người, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, góp phần nâng cao đời sống người dân và đưa kinh tế-xã hội tỉnh từng bước phát triển.

Còn nhớ, sau khi đất nước thống nhất, để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum tổ chức tìm và đưa người dân phân tán nhiều nơi về quê, kịp thời cứu đói, ổn định tư tưởng và lập kế hoạch cho người dân sản xuất. Trong việc thực hiện chủ trương khôi phục kinh tế, người dân dãn ra vùng ven, khai hoang phục hóa lại đồng ruộng, làm thủy lợi... để phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

Những năm sau đó, cùng với công tác tổ chức định canh định cư, phong trào hợp tác xã, thanh niên xung phong xây dựng các nông, lâm trường trên các vùng quê, những thôn làng mới hình thành.

Bằng những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, chỉ sau một thời gian ngắn, bộ mặt nông nghiệp và nông thôn ở các địa phương thay đổi và có một sức sống mới. Từ ăn đói, mặc rét, người dân Kon Tum từng bước đảm bảo được lương thực và có sản phẩm trao đổi.

Tuy nhiên, do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài, các hợp tác xã không phát huy được sức lao động sáng tạo của người lao động, sản xuất có lúc, có nơi bị đình đốn. Cùng với chiến tranh biên giới, các chính sách bao vây, cấm vận của kẻ thù, tình hình sản xuất và đời sống của người dân có lúc gặp nhiều khó khăn.

Bà con xã Ia Chim, thành phố Kon Tum nuôi ong lấy mật. Ảnh: Thế Binh

 

Từ trong thế bức bách đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã sáng suốt tiến hành công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, bố trí lại cơ cấu sản xuất, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Công cuộc đổi mới cùng với tái lập lại tỉnh năm 1991 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sản xuất trong tỉnh bung ra, người dân Kon Tum từ hơn 50% dân số nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc năm nào, từng bước tiến đến đủ ăn, đủ mặc, mặc ấm, mặc đẹp và có xuất khẩu.

Trải qua các nhiệm kỳ, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực... được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Trong việc thực hiện các chủ trương trên, nhất là việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả... theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, UBND tỉnh đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả: Đề án Hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền; Đề án Hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh; Đề án Chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới; Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; Đề án Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; Phương án Cải tạo chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; Kế hoạch Liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh... gắn với xây dựng nông mới, tạo ra những động lực mới cho người dân nông thôn và kinh tế tỉnh phát triển mạnh hơn.

Thông qua việc huy động các nguồn lực và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các chương trình phát triển kinh tế trên, đến nay, toàn tỉnh phát triển được 74.460ha cao su, 20.488ha cà phê, 1.265ha dược liệu (trong đó có 600 ha sâm Ngọc Linh); 150 ha rau, hoa, quả xứ lạnh... Diện tích các loại cây trồng sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng. Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới bước đầu được ứng dụng trong sản xuất, chăn nuôi.

Trồng rau an toàn ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum. Ảnh: TB

 

Tài nguyên rừng đang được quản lý, bảo vệ ngày càng tốt hơn. Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh giao trên 201.200ha rừng cho 10 tổ chức, 335 cộng đồng, 233 nhóm hộ và 2.206 hộ gia đình quản lý với mức khoán bình quân khoảng 400 nghìn đồng/ha. Người dân nhận đất, nhận rừng, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng có thêm một khoản thu nhập đáng kể nâng cao đời sống. 

Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh ta hiện có 22 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 210,4 MW đi vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia. Nhiều dự án điện mặt trời đang triển khai các thủ tục đầu tư và trình Bộ Công thương xem xét, thẩm định. Bên cạnh đó, trên địa tỉnh còn có 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 10 nhà máy chế biến mủ cao su, 9 cơ sở chế biến cà phê, 1 nhà máy chế biến đường... đi vào hoạt động. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp đang bảo đảm nguyên liệu hoạt động và xuất khẩu.

Bằng những nỗ lực trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13.443 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước khoảng 2.530 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,49 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,29%... Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 18 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên một bước.

Làm theo lời Bác và trước những yêu cầu đặt ra trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động thực hiện 3 lĩnh vực đột phá: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu; chỉnh trang, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; cải cách thủ tục hành chính, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp. Với sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, 3 chương trình hành động đột phá đang tạo ra thế và lực để tỉnh phát triển mạnh hơn trong tương lai.       

Văn Nhiên

Chuyên mục khác