10/06/2019 13:25
Cụ thể hoá chủ trương của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, các huyện uỷ, thành uỷ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU ngày 18/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 4215/QĐ-BVHTTDL ngày 9/11/2017 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 2058-KH/UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum...
Các cấp, các ngành và các doanh nghiệp đã có phối hợp thường xuyên trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhờ vậy, bước đầu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hiện tại, tỉnh có 10 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế và nội địa, 143 cơ sở lưu trú với 2.085 phòng, trong đó có 132 cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch từ hạng đạt tiêu chuẩn đến khách sạn xếp hạng 3 sao, tăng 16 cơ sở lưu trú so với năm 2017.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch có chuyển biến tích cực. Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức thẩm định, cấp phép cho các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch theo đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý du lịch các cấp, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch và cơ sở lưu trú; triển khai cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch cho 19 người, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng ứng xử, tiếp khách cho đội ngũ nhân viên, lễ tân thuộc các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú trú du lịch trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch và các điều kiện phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch nhằm phục vụ du khách tốt hơn. Hàng hoá, dịch vụ phục vụ khách du lịch được niêm yết công khai và bán theo giá niêm yết.
Công tác xúc tiến du lịch có nhiều tiến bộ, hình ảnh về vùng đất và con người Kon Tum cùng với tiềm năng du lịch được tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin báo chí, bước đầu thu hút được du khách và các nhà đầu tư đến với Kon Tum. Tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá - du lịch, ngày hội văn hoá - thể thao - du lịch - ẩm thực các dân tộc thiểu số nhằm giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Kon Tum với du khách. Ngành Du lịch tỉnh thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo, liên danh, liên kết về du lịch; xây dựng các tour, điểm du lịch mới; xây dựng các sản phẩm đặc trưng về du lịch... để thu hút du khách trong nước và nước ngoài.
|
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết: Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nêu trên, thời gian qua, hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng du khách và thu nhập xã hội từ du lịch ngày càng tăng. Năm 2018, tổng lượng khách đến Kon Tum đạt 448.304 lượt khách, tăng 30,38% so với năm 2017 (trong đó lượng khách quốc tế đạt 181.672 lượt, tăng 45,51% so với năm 2017); tổng ngày khách đến Kon Tum năm 2018 đạt 624.645 ngày, tăng 26,35% so với năm 2017; công suất sử dụng phòng đạt 79,18%, tăng 6,28% so với năm 2017; tổng doanh thu chuyên ngành đạt 253,661 tỷ đồng, tăng 19,11% so với năm 2017; tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 866,422 tỷ đồng (chủ yếu là dịch vụ ăn uống), tăng 14,33% so với năm 2017.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chiều 7/6, đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực của các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch dần dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại cần phải có biện pháp khắc phục. Đó là, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch chưa sâu, chưa mạnh; nhân lực làm công tác du lịch còn thiếu, yếu về kỹ năng giao tiếp, ứng xử; tài nguyên du lịch chưa thu hút các nhà đầu tư nhằm nâng cao giá trị tài nguyên du lịch, chưa tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng; công tác xã hội hoá để phát triển du lịch còn nhiều mặt hạn chế; nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp du lịch còn hạn hẹp nên việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch chưa đáp ứng với nhu cầu của du khách...
Để hoạt động du lịch trong thời gian tới hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch. Các địa phương cần quan tâm thu hút đầu tư, hoặc dành nguồn ngân sách hàng năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về du lịch; chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc trưng về du lịch như sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch về nguồn, du lịch văn hoá, sản phẩm quà tặng... ; tăng cường liên doanh, liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để thu hút du khách đến với Kon Tum. Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai đề án du lịch đã được phê duyệt; thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, các đặc trưng văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch; đẩy mạnh công tác xã hội hoá du lịch cũng như công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để đưa hoạt động du lịch đi vào nề nếp, đúng pháp luật...
Quang Định