Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập

08/10/2014 10:16

Trong nhiệm kỳ II (2008-2013), Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đã được tặng 2 Cờ thi đua và 3 bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, 1 Cờ thi đua của UBND tỉnh Kon Tum; Hội Khuyến học thành phố Kon Tum được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 1 Cờ thi đua. Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 115 tập thể, cá nhân; trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” cho 65 cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù tập hợp các tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự nghiệp trồng người, góp sức phấn đấu cho phong trào “toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục”…, trong những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ công tác giáo dục, góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học và trở thành hạt nhân trong cuộc vận động xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum). Ảnh: M.T 

 

Nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ 2008-2013 của Hội Khuyến học tỉnh là công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội và vận động xây dựng quỹ. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 97 xã, phường, thị trấn thành lập hội khuyến học cơ sở (tăng 10 cơ sở hội so với năm 2007), 987 chi hội (tăng 306 chi hội, các thôn, làng, tổ dân phố đều có chi hội khuyến học) và 43.308 hội viên tham gia hoạt động ở các chi hội (tăng 17.036 hội viên). Xác định nhiệm vụ quan trọng của Hội là vận động quỹ khuyến học nhằm giúp học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, bằng nhiều hình thức và biện pháp tích cực, các cấp Hội đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ đóng góp xây dựng quỹ. Trong nhiệm kỳ, Hội Khuyến học tỉnh đã huy động được hơn 5,5 tỷ đồng (tăng hơn hai lần so với nhiệm kỳ 2003-2008), trong đó Tổ chức Xuân - Cộng hòa Pháp ủng hộ gần 800 triệu đồng, Công ty TNHHMTV Xổ số kiến thiết tỉnh KonTum ủng hộ gần 600 triệu đồng, bác Nguyễn Tập - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy KonTum ủng hộ 200 triệu đồng; quỹ khuyến học cấp huyện, thành phố cũng huy động được hơn 5 tỷ đồng, trong đó Hội Khuyến học thành phố KonTum huy động được hơn 1,2 tỷ đồng, Hội Khuyến học huyện Đăk Hà huy động được gần 1,3 tỷ đồng…

Từ nguồn quỹ huy động được, mỗi năm đã có hàng ngàn học sinh, sinh viên nghèo vượt khó được nhận học bổng của Hội Khuyến học các cấp. Hầu hết các em được nhận học bổng và các hỗ trợ vật chất khác là học sinh DTTS. Ông Trần Hồng Thái - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Mỗi suất học bổng tuy không nhiều (cao nhất là 1.000.000 đồng), nhưng đã tạo cơ hội cho rất nhiều trẻ được tiếp tục đến trường và quan trọng nhất là tạo sự công bằng xã hội trong giáo dục. Bên cạnh đó, để giúp các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn đã tốt nghiệp trung học phổ thông, có ý chí học tập chăm chỉ, đam mê học và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng không có điều kiện học tiếp lên đại học, cao đẳng, Hội Khuyến học tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với tổ chức Passerelles Numeriques Việt Nam (gọi tắt là PN Việt Nam) và đã tuyển chọn được 23 em đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình đào tạo công nghệ thông tin tại Trung tâm Phát triển phần mềm - Đại học Đà Nẵng (thời gian mỗi khóa đào tạo 2 năm, hưởng học bổng toàn phần do tổ chức PN Việt Nam tài trợ, trị giá trung bình khoảng 3.400 đô la Mỹ/sinh viên/năm). Hiện đã có một số em tham gia khóa đào tạo 2011 - 2013 ra trường và có việc làm, thu nhập ổn định.

Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển sâu rộng và bền vững

Với hệ thống Hội được tổ chức chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, phát triển đến các cơ quan, trường học, tổ dân phố, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, lan tỏa đến gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Nhiều gia đình đã trở thành điểm sáng về tinh thần khắc phục khó khăn để nuôi con học tập thành tài, điển hình như gia đình ông Chung Thành Kim (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy), gia đình bà Phạm Thị Búp (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô), gia đình chị Y Dên (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô); nhiều “dòng họ hiếu học”, “hội đồng hương khuyến học”, “khu dân cư khuyến học” được thành lập và hoạt động có hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy các gia đình hội viên thi đua học tập, tiêu biểu như dòng họ Trương (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum), dòng họ Xiêng Var (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi), khu dân cư khuyến học (xã Hà Mòn, Đăk Hà); hội đồng hương Quảng Bình ở Đăk Hà, hội đồng hương Thanh Hóa ở Ngọc Hồi… Hiện toàn tỉnh có 58 khu dân cư khuyến học, 25 dòng họ và hơn 11 ngàn gia đình hiếu học được công nhận.

Cùng với phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học, nhằm thúc đẩy việc học tập mọi lúc, mọi nơi, tạo điều kiện cho mọi người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng, củng cố, đưa 78 trung tâm học tập cộng đồng đi vào hoạt động nề nếp. Theo phương châm “cần gì học nấy”, trong nhiệm kỳ, các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tập huấn cho trên 60.000 lượt người dân về kỹ thuật chăm sóc cao su, cà phê, lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm; cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe; bổ túc văn hóa; tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân… Việc duy trì và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Kết thúc một nhiệm kỳ hoạt động, mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, song từ những kết quả đạt được nêu trên đã khẳng định vai trò nòng cốt, sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của Hội Khuyến học các cấp.

Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh thời gian tới ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, ngoài việc tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ về vật chất, tinh thần của các tổ chức, lực lượng xã hội và đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của mọi người dân.        

 Hoàng Thúy

 

Chuyên mục khác