Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS

03/09/2019 13:03

Để phát huy vai trò của người có uy tín, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh luôn tạo điều kiện để người có uy tín tham gia vào các hoạt động, các phong trào của địa phương và tham gia các lớp tập huấn về nâng cao năng lực cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 811 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS (trong đó có 228 người là đảng viên), gồm: 315 già làng, 13 người là trưởng dòng họ và tộc trưởng, 98 người là trưởng thôn, 38 người là cán bộ hưu trí, 28 người là chức sắc tôn giáo, 69 người là doanh nhân và người sản xuất giỏi, 17 người là trưởng ban công tác Mặt trận, 233 người là thành phần khác.

Ông Ka Ba Thành - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong những năm qua, người có uy tín luôn gương mẫu và đi đầu trong công tác vận động nhân dân trên địa bàn nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tốt và có hiệu quả các chính sách dân tộc. Với những lợi thế về trải nghiệm, nắm rõ thực tiễn địa phương và là những nhân tố tích cực, nên họ đã có nhiều đóng góp, phát huy tốt vai trò trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan tham gia tuyên truyền, phổ biến, vận động, giải thích cho người dân hiểu để thực hiện.

Để phát huy vai trò của người có uy tín, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh luôn tạo điều kiện để người có uy tín tham gia vào các hoạt động, các phong trào của địa phương và tham gia các lớp tập huấn về nâng cao năng lực cộng đồng do các cấp, các ngành tổ chức, qua đó góp phần giúp họ phát huy vai trò và tiếng nói trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thăm hỏi và tặng quà cho người có uy tín tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Ảnh: Đức Thành

 

Đặc biệt, người có uy tín thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, là điểm tựa tinh thần trong đồng bào các dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp củng cố hệ thống chính trị, chính quyền tại cơ sở và là người trực tiếp phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có hiệu quả, giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ thôn làng ngay tại cơ sở và hàng năm cung cấp cho cơ quan chức năng địa phương nhiều thông tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự.

Nổi bật nhất là người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào công tác đấu tranh với hoạt động phục hồi tổ chức Fulro, đấu tranh với các hoạt động tuyên truyền và tổ chức vượt biên trái phép ra nước ngoài, vận động quần chúng giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, giải quyết các tranh chấp và khiếu kiện ở cơ sở, vận động quần chúng chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phòng chống tội phạm...

Bên cạnh đó, người có uy tín kịp thời phối hợp với chính quyền cơ sở hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh nội bộ ngay tại cơ sở, đồng thời tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng, từng bước góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, an toàn, văn minh và phát triển.

Người có uy tín trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy được vai trò, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư; là những nhân tố quan trọng để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như bảo tồn các loại cồng chiêng, các lễ hội, nghề truyền thống; đồng thời từng bước vận động nhân dân loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan... nhằm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. 

Người có uy tín đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào, chấp hành các quy định trong quy ước, hương ước ở địa phương. Nhờ đó, việc cưới xin, ma chay không còn tổ chức dài ngày như trước; người dân đã ăn ở hợp vệ sinh, thực hiện di chuyển chuồng trại ra xa nhà…

Để động viên những người có uy tín trong đồng bào DTTS, giai đoạn 2012-2019, toàn tỉnh đã được hỗ trợ trên 13,7 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho người có uy tín, trong đó ngân sách Trung ương trên 8,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 5,4 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức thực hiện 12,67 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giao để cấp 150.606 tờ báo Dân tộc và Phát triển, 12.741 tờ Báo ảnh Kon Tum; thăm hỏi 5.292 lượt người nhân dịp Tết Nguyên đán, tết của đồng bào các DTTS, người uy tín ốm đau, người uy tín và thân nhân của họ gặp khó khăn hoạn nạn; tổ chức 15 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 3.213 lượt người; tổ chức 7 đoàn với 242 người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm... Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn biểu dương, khen thưởng trên 100 lượt người có uy tín có thành tích xuất sắc, tiêu biểu...

Ông Ka Ba Thành đánh giá: Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy vai trò của mình. Nhờ đó, họ luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế; là lực lượng nòng cốt góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; là nhân tố tích cực trong việc vận động người dân ở thôn làng và động viên con cháu trong gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào việc chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao để ổn định đời sống; đồng thời vận động con em đến trường đúng độ tuổi, không chặt phá và đốt rừng làm rẫy…  

 Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác