Phát huy vai trò đội ngũ trí thức xây dựng và phát triển tỉnh

07/04/2023 06:01

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, tỉnh ta luôn coi trọng đội ngũ trí thức, đồng thời xác định đội ngũ trí thức là lực lượng trực tiếp nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN), tạo ra đột phá, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Là một tầng lớp xã hội đặc biệt, trí thức có vai trò và vị trí quan trọng trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và là động lực của sự phát triển.

Nhận thức rõ vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển triển đất nước, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới...”. Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh ta luôn coi trọng đội ngũ trí thức, đồng thời xác định đội ngũ trí thức là lực lượng trực tiếp nghiên cứu, sáng tạo và trực tiếp chuyển giao KH&CN tạo ra đột phá, góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Nuôi cấy mô tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Ảnh: Đ.N

 

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, tỉnh ban hành chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ trí thức, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy và cống hiến tài năng, sức lực, trí tuệ của mình. Điển hình như trước đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2009/NQ-HĐND, ngày 21/7/2009 về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi học đại học, sau đại học và chính sách thu hút cán bộ, sinh viên tốt nghiệp về công tác tại tỉnh; thành lập Câu lạc bộ trí thức của tỉnh.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đội ngũ trí thức nói chung và trí thức KH&CN nói riêng của tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng.  Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm đã được quan tâm đầu tư phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm trên địa bàn. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất và đời sống được chú trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2013-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt và đưa vào thực hiện 74 đề tài, dự án cấp tỉnh, đến nay đã có 74 đề tài, dự án được nghiệm thu. Các đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cấp ủy, chính quyền hoạch định các chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Đồng thời, nhiều kết quả nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng đã tạo sản phẩm mới và tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, nhất là trên một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến dược liệu. Cụ thể như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các giống cây trồng như: Đảng sâm, lan kim tuyến, các loại hoa, chuối, dâu tây, nấm ăn, nấm dược liệu (nấm đông trùng hạ thảo, nấm mối đen…).

Trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tỉnh ban hành Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”; Đề án xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức người DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN, thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức được chú trọng; tích cực hưởng ứng các hội thi sáng tạo kỹ thuật, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật hàng năm do các cấp phát động và đạt được nhiều giải thưởng cao. Thông qua các hoạt động này, đã khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của đội ngũ trí thức tỉnh trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ trí thức tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: Số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu của sự phát triển; thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, kinh tế, môi trường.

Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, quản lý nhà nước đối với hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh; quan tâm xây dựng Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh gắn với việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng giúp đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc, đối với địa phương; phát huy tính sáng tạo, tinh thần hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, thu hút đội ngũ trí thức KH&CN phù hợp với tình hình mới; bảo đảm các điều kiện về tổ chức, biên chế, phương tiện làm việc để Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tôn vinh, biểu dương người tốt việc tốt trong hoạt động KH&CN; đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động KH&CN.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hợp tác về KH&CN với các trường chuyên nghiệp, các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và các trường đại học, các tổ chức khác trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho sự phát triển năng lực KH&CN của tỉnh.        

Đào Nguyên

Chuyên mục khác