Phát huy truyền thống đại đoàn kết, xây dựng tỉnh phát triển bền vững

13/11/2023 13:01

Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tạo đồng thuận của xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quản lý, điều hành của chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Đảng, Nhà nước luôn phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện sự nghiệp đổi mới, những năm qua, đất nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao hơn trước, quốc phòng – an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc.

Người dân làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Ảnh: V.N 

 

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực tế cũng cho thấy, kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự quản lý, điều hành linh hoạt của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp vận động nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo ra động lực của sự phát triển.

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và thông qua các cuộc vận động, các phong trào, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống đại đoàn kết, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, thực hiện chuyện đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững; từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thi đua lao động sản xuất, nhiều hộ dân ở xã Ia Chim, thành phố Kon Tum làm giàu từ cây sầu riêng. Ảnh: VN

 

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, chỉ riêng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, toàn tỉnh xây dựng được hơn 617 mô hình điển hình về phát triển kinh tế ở các địa phương. Điển hình Tỉnh đoàn triển khai nhiều công trình, phần việc thanh niên, các mô hình nuôi cá, vườn rau thanh niên, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên DTTS phát triển kinh tế, liên kết kinh doanh dịch vụ homestay; hội nông dân các cấp xây dựng và duy trì nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Hội LHPN các cấp thành lập và duy trì nhiều mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất, chăn nuôi. Thông qua đó, giúp cuộc sống của đoàn viên, hội viên ngày càng ổn định và phát triển. 

Có thể nói, phát huy tinh thần đại đoàn kết, khơi dậy động lực phát triển, từ một tỉnh nghèo, khó khăn ngày nào, tỉnh ta trở thành một tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh, đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm trở lại đây, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, quy mô của nền kinh tế năm 2022 đạt trên 30.400 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2012, bình quân giai đoạn tăng trưởng 7,7%/năm. Cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người tăng khoảng 2 lần và đạt 52,44 triệu đồng/người năm 2022; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 là 8,77%/năm và duy trì ở mức khá cao so với các tỉnh Tây Nguyên.

Ngay trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17.627 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu ngân sách nhà nước ước đạt 4.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, bằng 109,32% so với cùng kỳ. Đời sống người dân trong tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển; quốc phòng – an ninh được củng cố vững chắc.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong việc vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo, tỉnh ta sẽ tạo ra những động lực mới xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.           

Văn Nhiên

Chuyên mục khác