Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Đăk Tô giàu mạnh

24/04/2017 08:59

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, toàn Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô luôn tin tưởng, đoàn kết tạo sự thống nhất cao, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân để khai thác mọi tiềm năng lợi thế. Nhờ vậy, sau 45 năm giải phóng, đặc biệt là trong những năm gần đây, huyện Đăk Tô đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Huyện Đăk Tô có tổng diện tích tự nhiên 50.640,8ha, có 8 xã và một thị trấn với tổng dân số 45.456 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 52%. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, tính riêng giai đoạn 2010-2015 là 14,72%; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp và tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 24,3 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, năm 2016 đạt 94.400 triệu đồng.

Về sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện chuyển dịch đúng hướng. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 8.043ha; cây công nghiệp, cây lâu năm trên 9.537ha. Số lượng gia súc trên địa bàn được duy trì ổn định, diện tích mặt nước nuôi thủy sản tăng.

Đăk Tô đã thu hút được sự quan tâm hợp tác, đầu tư của các thành phần kinh tế. Đến nay, huyện có 17 dự án lớn đầu tư trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký trên 2.500 tỷ đồng. Cụm công nghiệp và dịch vụ 24/4 đã được đầu tư hoàn thành giai đoạn 1. Một số dự án đầu tư cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã được xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động như: Nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy cồn sinh học, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 1, các nhà máy chế biến mủ cao su... góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư như: Nhà máy bột và giấy Tân Mai - Kon Tum, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 2, Nhà máy thủy điện Đăk Pô Kô.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện được đầu tư khá đồng bộ, nhất là lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học... Từ chỗ đường sá đi lại khó khăn, “trắng” các điểm trường lớp... Đến nay, hầu hết các thôn làng có đường ô tô đến được cả 2 mùa; 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, cơ sở vật chất hiện có cơ bản đảm bảo cho việc dạy và học; 100% số thôn làng có điện lưới quốc gia.  

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện đã có 2 xã Diên Bình và Tân Cảnh được công nhận là xã nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 7 đến 12 tiêu chí. Nhìn chung, chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian vừa qua đã góp phần từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện.

Nhà rông trung tâm huyện Đăk Tô - nơi diễn ra hoạt động kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đăk Tô Tân Cảnh. Ảnh: Mai Trâm

 

Lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện cũng có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Từ một huyện có mặt bằng dân trí thấp, nạn mù chữ còn phổ biến, đến năm 2000, huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2005 phổ cập trung học cơ sở, năm 2014 phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi. Toàn huyện đã có 21/37 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chuyển biến tích cực; triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đạt kết quả, kịp thời ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; 9/9 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; 2/9 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, các sinh hoạt văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình diện chính sách xã hội được chăm lo, giải quyết các chế độ ưu đãi kịp thời. Huyện triển khai đồng bộ công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ngày càng giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, giàu.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững.

Có thể khẳng định, trong chặng đường đã qua, Đăk Tô luôn mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Khi đã chọn được hướng đi, Đảng bộ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Đối với địa phương có điểm xuất phát thấp như Đăk Tô, trong định hướng chiến lược phát triển ở từng giai đoạn, huyện đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, mang lại hiệu quả cao: xây dựng đề án thu hút đầu tư; lựa chọn, xây dựng, phát triển 5 ngành, nhóm ngành kinh tế và 5 sản phẩm chủ yếu có giá trị kinh tế cao; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính….

Du khách tham quan tượng đài chiến thắng Đăk Tô. Ảnh: Mai Trâm

 

Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã gặt hái được nhiều kết quả hết sức quan trọng, vô cùng phấn khởi và tự hào. Mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển là vô cùng quan trọng và quý báu. Thành quả đó luôn là nền tảng, là tiền đề để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đăk Tô hôm nay kế thừa, vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quyết tâm xây dựng huyện Đăk Tô ngày càng phát triển vững mạnh và giàu đẹp.

                                           Cao Trung Tin

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô

Chuyên mục khác