Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc

01/02/2023 06:26

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm khoảng 54% dân số. Trong những năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX (Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng) “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành của tỉnh luôn chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xem đây là động lực để xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Ngay sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ban hành, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết, qua đó đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và nội dung của sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, góp phần tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Kinh tế có sự phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2000-2020 đạt trên 11,5%/năm, quy mô kinh tế năm 2021 tăng gấp 57,3 lần so với năm 2005; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng lẫn quy mô (hiện trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 doanh nghiệp).

Đời sống văn hoá ở cơ sở ngày càng văn minh, tiến bộ; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa được quan tâm, đến nay có 56% cơ quan, đơn vị và 74% thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ đều có sự chuyển biến rõ nét.

Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: X.B

 

Công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực; đến cuối năm 2022 đã có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển các xã đặc biệt khó khăn, nhất là việc kết nghĩa giữa các cơ quan cấp tỉnh với các xã, các thôn làng vùng sâu, vùng xa đạt nhiều kết quả; đã kịp thời phát hiện và giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong nội bộ nhân dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững, trong các đợt bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004, Kon Tum vẫn là địa phương có sự ổn định về an ninh chính trị.

Năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực; công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở (đến cuối năm 2021, tỷ lệ tập hợp quần chúng của các tổ chức chính trị-xã hội đạt 81,2%), ngày càng phát huy rõ nét vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đồng thời đã và đang thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn một số hạn chế, cụ thể như: đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, trình độ dân trí ở một số khu vực còn thấp, chênh lệch mức sống giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn ngày càng gia tăng; kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS chưa đồng bộ.

Công tác nắm bắt, phản ánh tình hình đoàn viên, hội viên và nhân dân của cơ quan dân vận, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lúc chưa kịp thời; hiệu quả giám sát, phản biện xã hội còn thấp.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm đã rút ra trong quá trình lãnh đạo tổ chức triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, thời gian tới, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tỉnh Kon Tum tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó thống nhất ý chí và hành động trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu khóa XIII. Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng quy định để kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ.

Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”; Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn, vùng đồng bào DTTS, người khuyết tật. Tiếp tục triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ vùng đồng bào DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Nguyễn Quang Thủy

Chuyên mục khác