Phát huy hiệu quả Tài liệu giáo dục địa phương trong giảng dạy

08/04/2023 06:06

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng và từng bước đưa Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh vào giảng dạy tại các lớp, bậc học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Qua đó, phát huy hiệu quả tích cực, giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, trau dồi các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tích cực học tập để đóng góp xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

Tại lớp 2D, Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Kon Tum), các em học sinh rất vui vẻ, phấn khởi khi học bài “Lễ hội mừng lúa mới” trong chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum. Thông qua sự hướng dẫn của giáo viên và được xem video minh họa, hình ảnh trong tài liệu, các em học sinh nắm bắt được những kiến thức cơ bản về ý nghĩa, thời gian tổ chức, các hoạt động chính của Lễ hội mừng lúa mới.

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: T.L

 

Em Hà Trần Gia Hân, học sinh lớp 2D, Trường Tiểu học Trần Phú chia sẻ: Em rất thích tài liệu giáo dục địa phương vì có nhiều hình ảnh đẹp, rất sinh động, câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu. Chúng em còn được đi thực tế tham quan tại Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum nên tích lũy thêm nhiều kiến thức rất bổ ích, giúp chúng em thêm hiểu về lịch sử và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của đồng bào các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Cô giáo Đặng Thị Kim Loan- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: Đội ngũ giáo viên của trường được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nên rất chủ động, thuận lợi trong công tác giảng dạy. Hiện nay, học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 đều được học tài liệu giáo dục địa phương với thời lượng 35 tiết/ năm học. Nội dung của Tài liệu rất gần gũi với đời sống thực tế nên học sinh rất thích thú, phát huy được tính năng động, sáng tạo của các em.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện biên soạn nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc ban hành Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum cấp tiểu học, trung học đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đang được đưa vào sử dụng tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 4, lớp 8 và lớp 11 đã dự thảo xong bản mẫu; đang triển khai các bước thực nghiệm, phản biện xã hội, phản biện của hội đồng thẩm định cấp tỉnh để hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép đưa vào sử dụng.

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm trình diễn trang phục dân tộc. Ảnh: TL

 

Qua thực tế triển khai, chương trình Tài liệu giáo dục địa phương giúp học sinh hình thành năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, Tài liệu giúp học sinh phát triển năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum được xây dựng theo từng lĩnh vực, mạch kiến thức phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Qua đó, trang bị kiến thức cho các em lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương; di tích lịch sử, nhân vật lịch sử; lễ hội, nghệ thuật truyền thống; phong tục, tập quán, văn học nghệ thuật dân gian địa phương; nghề truyền thống địa phương; địa lý, dân cư; cảnh quan, môi trường; chính sách, hoạt động giáo dục trong nhà trường; chính trị, kinh tế, xã hội; hướng nghiệp. Dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành Tài liệu ở tất cả các khối lớp từ bậc tiểu học đến THPT.   

Tấn Lộc

Chuyên mục khác