21/05/2019 14:06
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh) thông tin, năm 2018, các cấp và các ngành đã nỗ lực chăm lo cho trẻ em, qua đó giảm 0,5% tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng đó, hơn 31.583 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp can thiệp, trợ giúp kịp thời; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách bảo trợ xã hội và được trợ giúp bằng nhiều hình thức khác... Trên địa bàn tỉnh, tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em tham gia lao động; trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, lạm dụng đã cơ bản giảm và không có trẻ em bị buôn bán, bắt cóc.
Tuy nhiên, ngành chức năng cũng nhìn nhận, tỉnh ta còn 32.796 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo; 747 em sống trong gia đình có các vấn đề xã hội như gia đình có người vi phạm pháp luật, sử dụng ma túy… Ở các địa phương, tình trạng thiếu các công trình cấp nước sạch, nhà vệ sinh chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của trẻ em; trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận nhiều với các hoạt động vui chơi, giải trí. Công tác quản lý, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho các em vẫn có nhiều hạn chế và sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề có liên quan chưa cao...
Theo đó, tại Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Kon Tum” năm 2019, Ban chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh đã kêu gọi các cấp, các ngành và toàn xã hội nâng cao nhận thức, thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách, chương trình và nguồn lực huy động dành cho trẻ em trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, trẻ em DTTS trong tỉnh có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ chăm sóc và được hưởng lợi từ nguồn nước sạch, các dịch vụ phúc lợi xã hội khác.
Về lâu dài, Ban chỉ đạo cấp tỉnh mong muốn, các cấp và các ngành tăng cường công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, chú trọng các hoạt động truyền thông, vận động xã hội nâng cao nhận thức về Luật Trẻ em; triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho trẻ em.
Vào dịp hè, các địa phương tăng cường chỉ đạo phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo “Mùa hè an toàn cho trẻ em” ở cơ sở; tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể quản lý, giám sát, hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng vui chơi lành mạnh, bổ ích và phải bảo đảm các tiêu chí: Vui, khỏe, an toàn, tiết kiệm và hướng các em đến các lớp bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách sống có trách nhiệm, tích cực với cộng đồng, xã hội; quan tâm hơn nữa đến thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, vùng DTTS.
Đồng thời, sở, ngành tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá, cập nhật tình hình trẻ em, trong đó ưu tiên quan tâm trẻ em nghèo, trẻ em DTTS và đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt để có hỗ trợ kịp thời; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nhà nước, xã hội dành cho việc thực hiện quyền trẻ em; chỉ đạo giải quyết và xử lý nghiêm tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị buôn bán, bạo lực, tai nạn thương tích và đặc biệt là tai nạn đuối nước; xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em.
Nhân dịp này, Ban chỉ Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh tiếp nhận ủng hộ của các đơn vị, cá nhân cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hơn 45 triệu đồng; tặng 50 suất quà cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Sa Thầy; đến thăm, tặng quà cho 50 trường hợp trẻ em khó khăn tại xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy).
|
|
|
Mai Trâm