Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H’Drai: Niềm vui đầu năm học mới

27/09/2019 06:01

Bước vào năm học mới 2019-2020, thầy và trò Phân hiệu Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh tại huyện Ia H’Drai có thêm nhiều niềm vui; nhất là tháng 11 này, đơn vị được chuyển về cơ sở mới. Cơ sở này có tổng diện tích xây dựng là 3.525m2 gồm 8 phòng học, nhà ở học sinh 16 phòng và các hạng mục xây dựng phụ trợ khác như nhà ăn, bếp ăn, cổng, trường rào, sân bê tông và các trang thiết bị dạy học... tổng kinh phí đầu tư là 19,81 tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H'Drai vào một ngày đầu năm học mới. Tiếp chúng tôi, thầy Nguyễn Ngọc Quốc - Phó hiệu trưởng, phụ trách Phân hiệu hồ hởi khoe: Bước vào năm học 2019-2020, Phân hiệu có thêm nhiều niềm vui, thầy và trò nhà trường rất phấn khởi. Đây là năm học đầu tiên trường có khối lớp 12, như vậy là có đủ cả 3 khối học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Phân hiệu được Sở GD-ĐT quan tâm tăng cường 5 giáo viên cốt cán của các trường ở thành phố Kon Tum lên tham gia giảng dạy và đặc biệt, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, thầy trò nhà trường sẽ chuyển đến cơ sở mới ở trung tâm hành chính huyện...

Những điểm mới, những niềm vui mà thầy Quốc đề cập là điều bình thường ở những nơi thuận lợi, còn đối với vùng biên Ia H’Drai nhiều  khó khăn này thì quả là một vấn đề lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy đảng, chính quyền, ngành GD-ĐT tỉnh đối với sự nghiệp trồng người nơi đây.

Nhìn lại một chút để thấy được những khó khăn vất vả mà thầy và trò Phân hiệu đã nỗ lực vượt qua và hiểu thêm về niềm vui hôm nay của họ.

2 năm sau ngày thành lập huyện, ngày 7/7/2017, Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh được thành lập. Khi ấy, thời gian khai giảng năm học mới 2017-2018 đã cận kề. Vậy là, dù vừa mới nhận công tác ở địa phương lần đầu đặt chân đến, toàn bộ cán bộ giáo viên Phân hiệu với gần chục con người phải đôn đáo lo tuyển sinh, lo cơ sở vật chất, chuẩn bị mọi hoạt động của năm học...

Cũng như các đơn vị khác trên địa bàn, cái khó nhất lúc ấy là không có cơ sở vật chất, Phân hiệu phải mượn cơ sở cũ của Đồn Biên phòng Suối Cát ở xã Ia Dom để hoạt động.

Cơ sở vật chất của Đồn Biên phòng hẳn nhiên không phù hợp với một trường học. Để đi vào hoạt động, cán bộ, giáo viên đã phải vất vả cải tạo các phòng làm việc, phòng ở của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thành các phòng chuyên môn, phòng học, phòng nội trú, nhà ăn... cho cả thầy và trò. Ngay căn phòng chúng tôi đang ngồi vốn là hội trường của Đồn Biên phòng giờ được kê ghép các bộ bàn ghế học sinh thành phòng họp triển khai công việc của các thầy cô giáo nhà trường.

Giờ học Toán của học sinh lớp 12, Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H'Drai. Ảnh: NQ 

Cơ sở vật chất tạm ổn, cán bộ giáo viên Phân hiệu lại đau đầu lo nguồn lương thực thực phẩm, tổ chức nấu ăn cho học sinh. Điều kiện đất đai tại chỗ không thể tăng gia, nguồn cung lương thực, thực phẩm khan hiếm do đường sá đi lại khó khăn. Thế là các chuyến xe đò, chuyến xe công tác của các đơn vị và cả những chuyến về thăm nhà của các thầy cô giáo đều được huy động vận chuyển lương thực thực phẩm từ các nguồn cung uy tín ở thành phố Kon Tum lên. Khó khăn là vậy, nhưng 2 năm học qua, bếp ăn của Phân hiệu luôn được ngành Y tế đánh giá cao về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều mà cả thầy và trò nơi đây khổ nhất là thiếu nguồn nước sạch, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn. Để khắc phục, Phân hiệu mua máy lọc nước nhưng cũng chỉ đủ tằn tiện phục vụ ăn uống, còn tắm giặt vẫn phải “sống chung với phèn”.

Do đặc thù của trường, phần lớn học sinh thuộc đối tượng được thụ hưởng chế độ nội trú, bán trú, nên các thầy cô còn phải thường xuyên cận kề bên học sinh, theo dõi, chăm sóc việc ăn ở cho các em, nhất là các em mới ở nội trú lần đầu, dần đưa các em vào nề nếp.

Với sự quan tâm gần gũi, động viên của các thầy cô giáo, các em dần quen với nếp sống nội trú, rèn giũa lối sống kỷ luật, hình thành thói quen tự giác và tự lập. Trong các phòng nội trú, giường chiếu, quần áo, sách vở... được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Các em đều tự giác thức khuya dậy sớm học bài, giặt giũ quần áo…

Em Lê Thị Mai Hoa, học sinh lớp 12, ở thôn 2, xã Ia Dom nhớ lại: Năm đầu tiên vào trường, em gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng nhờ thầy cô luôn tận tình, chu đáo, quan tâm động viên, hướng dẫn, nên em cũng vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, dần quen với nếp sống mới, cùng các bạn chăm lo học tập...

Nói về chuyện học ở đây, thầy Quốc rủ rỉ: Ia H’Drai là huyện vùng biên mới thành lập còn rất nhiều khó khăn. Hầu hết phụ huynh đều từ các địa phương khác đến lập nghiệp, làm cán bộ, nhân viên, người lao động cho các đơn vị trồng và khai thác mủ cao su trên địa bàn. Đời sống còn rất nhiều khó khăn vất vả, nhưng họ rất quan tâm việc học của con em, với mong ước sau này có nghề nghiệp ổn định, thoát khỏi nghèo khó. Trước đây, huyện không có trường cấp 3, các bậc phụ huynh dù muốn cũng rất khó cho các em tiếp tục học lên, chỉ một vài em có điều kiện xuống thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy hay các trường ở tỉnh Gia Lai để theo học. Phân hiệu được thành lập, đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, đa số các gia đình cũng chỉ có thể sắp xếp cho con em thời gian học tập còn lại hầu như trông chờ vào chế độ chính sách, vào sự chăm lo của các thầy cô giáo. Điều đáng trân trọng là dù điều kiện học tập còn thiếu rất nhiều, nhưng các em chịu khó tự học, tìm hiểu bài, siêng học bài cũ. Đó là niềm an ủi tinh thần, động viên rất lớn đối với chúng tôi...

Với tình yêu nghề, mến trò, cán bộ, giáo viên Phân hiệu như quên đi mọi khó khăn thường nhật, nén nỗi nhớ gia đình, nỗ lực đưa công tác dạy và học đi vào ổn định, nề nếp và từng bước nâng cao chất lượng.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngay từ đầu năm học, trên cơ sở kế hoạch của Sở GD-ĐT và điều kiện thực tế tại đơn vị, Phân hiệu đã xây dựng kế hoạch công tác năm học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tổ chức dạy 2 buổi/ngày với các môn chính: Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Trên cơ sở đó, trong điều kiện chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, không đồng đều, một bộ phận không nhỏ học sinh mất kiến thức căn bản ở các lớp dưới..., các tổ chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề và nghiên cứu bài học; đẩy mạnh thực hiện thao giảng, dự giờ, góp ý, tổ chức các cuộc họp tổ chuyên đề tìm phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh...

Trao học bổng cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Ảnh: NQ 

Để tạo sự thu hút đối với học sinh trong việc tiếp thu kiến thức, dù còn rất thiếu trang thiết bị, các thầy cô giáo vẫn cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy như máy chiếu, đài... .

Bên cạnh đó, Phân hiệu tổ chức phụ đạo cho các em ở các môn: Toán, Ngữ văn (2 tiết/tuần); Hóa học, Vật lý, Tiếng Anh (1 tiết/1 tuần).

Với những nỗ lực của cả thầy và trò, 2 năm học qua, kết quả học tập của các em học sinh khá tốt. Cuối năm học 2018-2019, về học lực, Phân hiệu có 1 học sinh đạt loại giỏi, 29 em loại khá, 58 em trung bình, không có học sinh yếu kém; về hạnh kiểm, hầy hết các em đều đạt loại tốt và khá.

Bước vào năm học mới 2019-2020, Phân hiệu có 6 lớp với 163 học sinh; trong đó, khối 12 có 2 lớp, 40 học sinh; khối 11 có 2 lớp, 46 học sinh, khối lớp 10 có 2 lớp 77 học sinh. Về cán bộ, giáo viên, với 5 thầy cô giáo cốt cán của các trường ở thành phố Kon Tum được tăng cường, hiện Phân hiệu có 15 người, trong đó có 12 người trực tiếp đứng lớp, đảm bảo thực hiện giảng dạy đầy đủ các bộ môn...

Thầy Quốc cho biết: Những năm học qua, thầy và trò Phân hiệu đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học; đương nhiên vẫn còn nhiều mặt cần phải cố gắng hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu. Để phát huy những mặt làm được, khắc phục những hạn chế, năm học 2019-2020, Phân hiệu tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu và nhóm giải pháp cơ bản của ngành bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp điều kiện của đơn vị; trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, năng lực đổi mới phương pháp dạy học; tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là khối 12 để đáp ứng yêu cầu kì thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 sắp tới, tổ chức các hoạt động ngoại khóa định hướng nghề nghiệp cho các em; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào của ngành; chú trọng giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện...

Một năm mới đã bắt đầu, dẫu vùng biên giới còn đó những khó khăn, nhưng với tình yêu nghề, niềm yêu thương học sinh và sự nỗ lực rèn luyện, học tập của các em học sinh, Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H'Drai sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong năm học, góp phần đưa sự nghiệp trồng người nơi đây lên tầm cao mới.  

Thái Bình

Chuyên mục khác