Phẩm giá của người khuyết tật

11/12/2022 06:07

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, nhiều người khuyết tật vẫn luôn nỗ lực vươn lên và giữ gìn phẩm giá là điều mà tôi được chứng kiến.

Vì đặc thù nghề nghiệp, tôi được thấy, được nghe kể về những tấm gương người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh. Trong mỗi câu chuyện đều có nhiều nước mắt, và vui sao, cũng có những nụ cười.

Câu chuyện về Thạch là một ví dụ.

Không may bị liệt đôi chân từ năm 2 tuổi, Thạch đã trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm, khi không thể chạy nhảy như chúng bạn, điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp.

Theo được đến lớp 5, Thạch phải nghỉ học vì việc đi lại ngày càng khó khăn, gia đình cũng không có người đưa Thạch đến trường.

Lủi thủi ở nhà, quanh quẩn với góc sân, gian bếp, Thạch phụ giúp mẹ lo chuyện cơm nước. Ít ai biết rằng, từ khi ấy, trong đầu cậu bé tật nguyền đã luôn cháy bỏng ước muốn tự lập. “Một ngày nào đó, mình không chỉ tự lo cho bạn thân mà còn đỡ đần cho mẹ và có ích cho xã hội”- Thạch mơ ước.

Để thực hiện mơ ước ấy, năm 14 tuổi, Thạch vào Thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc. Một cậu bé 14 tuổi bình thường bươn chải ở đây đã khó, nói gì đến Thạch.

Tạo hóa có thể không công bằng với cậu, nhưng cũng không lấy đi toàn bộ hy vọng. Cậu xin được vào làm tại xưởng sản xuất xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; rồi chuyển sang bán vé số; làm công nhân may.

Người khuyết tật luôn nỗ lực vươn lên và giữ gìn nhân phẩm trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Ảnh: HL

 

Gần 10 năm bươn chải nơi đất khách, Thạch dành dụm được một số vốn rồi quay về quê hương lập nghiệp. Trải qua nhiều long đong, lận đận, nhưng với sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể xã hội, và nhất là sự đồng hành của người bạn đời, Thạch đã kiên cường vượt qua tất cả.

Hiện nay, Thạch đang điều hành nhóm làm chổi đót với các thành viên đều là người khuyết tật. “Mọi người đã chứng minh được rằng, mình không phải gánh nặng của gia đình và xã hội. Hơn thế, chúng tôi mong sẽ truyền cảm hứng về cộng đồng người khuyết tật luôn lạc quan, kiên trì, giàu nghị lực và dám mơ ước”- Thạch chia sẻ.

Thạch là một trong nhiều, rất nhiều tấm gương người khuyết tật vượt qua chính mình. Ngày 18/4/2022, nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, trong số 20 người khuyết tật được vinh danh “Người khuyết tật tiêu biểu năm 2022” có Thạch.

Trong câu chuyện về họ, dễ nhận thấy điểm chung là luôn nỗ lực vươn lên, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

Bên cạnh đó, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội cũng đem lại động lực cho họ vượt qua nghịch cảnh.

Theo số liệu từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.699 người khuyết tật, trong đó có 7.617 người được cấp giấy xác nhận khuyết tật; 5.754 người khuyết tật được trợ cấp xã hội. 100% người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hằng tháng đều được cấp thẻ BHYT.

Đáng ghi nhận là 100% bệnh viện tuyến tỉnh đã có khoa phục hồi chức năng để phát triển sâu các kỹ thuật vật lý trị liệu, chữa bệnh cho người khuyết tật.

Tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật cũng được đặc biệt quan tâm, từ đó giúp họ tạo dựng cuộc sống độc lập, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội, mở ra cơ hội mới để hòa nhập đầy đủ và bình đẳng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Điều khiến tôi, và nhiều người, đánh giá cao là việc giữ gìn danh dự, phẩm giá cho những người khuyết tật.

Đa số người khuyết tật đều có ý thức gìn giữ phẩm giá của mình, tất nhiên rồi. Tôi chơi thân với một số người khuyết tật. Tôi khâm phục họ bởi ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc đời, dù cuộc đời bất công với họ. Tôi trân trọng họ bởi lòng tự trọng và cách họ giữ gìn phẩm giá của mình và người cùng cảnh ngộ.

Về phía chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng xã hội, các chính sách, chương trình nhằm bảo vệ người khuyết tật cũng được xây dựng và triển khai tích cực, hiệu quả. Có thể nói, chúng ta đã và đang giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người khuyết tật.

Tham gia những chuyến đi thiện nguyện, tặng quà, trao nhà cho người khuyết tật, điều đáng ghi nhận là đơn vị tổ chức không có hành động, phát ngôn nào tạo cho người khuyết tật cảm giác ngại ngùng, khó chịu hay tủi phận khi nhận quà, nhận hỗ trợ.

Người khuyết tật cũng không bị “coi thường ngầm” với những ánh mắt chứa câu hỏi như “sao không chịu nỗ lực vươn lên”.

Hỗ trợ người khuyết tật từ trái tim và lòng nhân ái. Ảnh: H.L

 

Có một câu chuyện khi tham gia chuyến trao học bổng cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật vượt khó học giỏi ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông làm tôi nhớ mãi. Hôm ấy, khi giới thiệu, mời các em lên nhận học bổng, thầy giáo dẫn chương trình không hề nhắc đến các cụm từ “học sinh nghèo” và “học sinh khuyết tật”, mà chỉ mời chung “học sinh vượt khó học giỏi”.

Trao học bổng xong, có người thắc mắc như thế là không rõ ràng theo yêu cầu của nhà tài trợ, thầy giáo nhẹ nhàng xin lỗi, và nói rằng: Tôi không muốn thấy các em phải ngại ngùng, thậm chí là tự ti, vì hoàn cảnh của mình trước nhiều người, nhiều bạn bè mà thôi.

Nhìn rộng hơn, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn nhân phẩm cho người khuyết tật. Trong bất cứ chính sách nào, danh dự của họ cũng cần được quan tâm. “Của cho không bằng cách cho”, bất cứ hành động trợ giúp cho đối tượng nào cũng đều nên được thể hiện một cách tôn trọng, khéo léo. Và hỗ trợ người khuyết tật càng cần khéo léo hơn.

Trên thực tế, không hề dễ dàng để một người khuyết tật chấp nhận sự hỗ trợ, nếu như đó là hành động xuất phát từ ý nghĩ ban phát, sự thương hại, thay vì từ trái tim và lòng nhân ái.

Những nụ cười nở trên môi của Thạch, và rất nhiều người khuyết tật khác, những gì chúng ta thấy, và vỗ tay khen ngợi hôm nay, đều được họ giành lấy bằng nghị lực, sự kiên cường và bền bỉ.

Trong đó, giữ gìn phẩm giá cũng là giúp họ có quyết tâm để vươn lên.

Hồng Lam

Chuyên mục khác