PAPI dành cho ai?

28/06/2022 06:15

Không chỉ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh còn tổ chức làm việc với các cơ quan liên quan và địa phương nhằm tìm kiếm các giải pháp cho thấy quyết tâm cải thiện và nâng cao xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) của tỉnh.

Ngày 21/6, tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan và các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm đã nhấn mạnh rằng, các cơ quan liên quan và các địa phương cần rà soát, đánh giá kết quả, làm rõ trách nhiệm, xác định được nguyên nhân, từ đó, phân tích, lập kế hoạch khắc phục đối với những chỉ tiêu, chỉ số thành phần bị giảm điểm, mất điểm, làm giảm thứ hạng.

Rõ ràng đây là việc làm cần thiết, nếu muốn cải thiện thứ hạng PAPI. Bởi chỉ khi “bắt đúng bệnh” mới có thể “kê đúng đơn, bốc đúng thuốc”.

Cũng trong ngày 21/6, anh nông dân Nguyễn Văn Tuân hỏi tôi: PAPI là gì? Anh ngạc nhiên vì tôi và mấy anh em trong xóm, là công chức ở vài sở, ngành, bàn luận về sự tụt hạng Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2021.

Tôi đã hơi lúng túng khi cố gắng tìm cách giải thích ngắn gọn, dễ hiểu nhất có thể. Tất nhiên, tôi có thể mở Google để đọc cho anh nghe định nghĩa về Chỉ số PAPI, nhưng rõ ràng đây không phải là cách hay.

Thực ra Chỉ số PAPI là một thuật ngữ mô tả hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương- tôi lựa lời giải thích, cố gắng giúp anh hiểu đơn giản nhất về một khái niệm phức tạp.

Vậy thì PAPI dành cho ai? Anh Tuân lại hỏi. 

Tôi đã lý giải với anh rằng, đừng vì cách gọi tên nên cho rằng nó chỉ dành cho bộ máy công quyền, mà người dân mới là đối tượng chính, các trục nội dung của PAPI đều xoay quanh người dân, tạo cơ hội cho người dân đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền.

Rằng, PAPI chính là công cụ đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương. Hay có thể nói, Chỉ số PAPI là “nhiệt kế” chẩn đoán mức độ hiệu quả và năng lực điều hành của chính quyền địa phương, góp phần thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Cho nên, thực tế mà nói, PAPI chính là “công cụ” dành cho người dân khi nó đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương, nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong những năm qua, với quyết tâm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt, tập trung triển khai nhiều giải pháp. Qua đó, nhận thức về tầm quan trọng của Chỉ số PAPI đối với công tác cải cách hành chính được nâng lên.

Các cơ chế, chính sách liên quan đến người dân đều được lấy ý kiến của nhân dân. Sự tham gia đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát của người dân về thực hiện công vụ của cơ quan nhà nước ngày một cao.

Việc công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách liên quan đến người dân được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kiểm tra, giám sát; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các ngành quan tâm thực hiện nghiêm túc.

Các thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm bảo vệ; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ người dân chất lượng ngày một cao.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, Chỉ số PAPI của tỉnh chỉ đạt 39.89 điểm, giảm 1,73 điểm so với năm 2020. Với kết quả trên, Kon Tum xếp hạng thứ 54, nằm trong nhóm 15 tỉnh đạt điểm thấp nhất.

Nguyên nhân được cho là còn một số sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã chưa quan tâm đến mục tiêu nâng cao Chỉ số PAPI tại đơn vị; mức độ công khai, minh bạch chưa cao; xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm; TTHC thường xuyên được rà soát đơn giản hóa nhưng vẫn còn rườm rà, nhất là lĩnh vực đất đai; còn hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn.

Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở cần được cải thiện hơn nữa. Ảnh: HL

 

Đặc biệt, tỷ lệ người dân tham gia vào các cơ chế, chính sách còn ít; việc khai thác sử dụng công nghệ thông tin của người dân để giao dịch công việc với các cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Hơn bao giờ hết, việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI đang là yêu cầu thực tiễn của cải cách hành chính công, hướng tới một nền hành chính minh bạch và hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc khắc phục những nội dung hạn chế cần bao gồm rà soát, cắt giảm các TTHC còn rườm rà, phức tạp; kịp thời công bố, công khai đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; hướng dẫn cho người dân, tổ chức biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao trình độ gắn với giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: HL

 

Một giải pháp nữa là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ gắn với giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Trở lại với câu chuyện với nông dân Nguyễn Văn Tuân. Việc anh chưa biết gì về Chỉ số PAPI, đồng nghĩa với việc chưa biết quyền của mình trong mối liên hệ với chính quyền và mức độ cung ứng dịch vụ công.

Dĩ nhiên là nhiều người như anh. Và một phần trách nhiệm thuộc về công tác tuyên truyền.

Vì vậy, cần chú trọng hơn đến giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của Chỉ số PAPI.

Một khi hiểu rõ, người dân sẽ chủ động phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.

Và sẽ không còn ai hỏi, PAPI dành cho ai!          

Hồng Lam

Chuyên mục khác