Ổn định sản xuất cho người dân sau thu hồi đất

24/10/2016 14:19

Trước nỗi lo của bà con nông dân có diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất bị thu hồi, phường Thống Nhất vừa triển khai vận động nhân dân chấp hành, vừa đề xuất với thành phố rà soát quỹ đất nông nghiệp còn lại trên địa bàn để quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nhằm giải quyết việc làm và thu nhập cho bà con...

Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 để thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND thành phố Kon Tum đã thông báo thu hồi gần 23ha đất của 218 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phường Thống Nhất.

Mục đích của việc thu hồi đất là thực hiện Dự án đường bao khu dân cư phía bắc thành phố (từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor) giai đoạn 2. Việc này cũng đã và đang dấy lên nỗi lo của người dân là làm sao đảm bảo cuộc sống sau khi đất sản xuất bị thu hồi...

Nghe thông tin UBND thành phố Kon Tum thông báo tiến hành thu hồi diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất hoa màu để triển khai xây dựng công trình trụ sở làm việc các sở ngành của tỉnh, 34 hộ dân trong Tổ liên kết trồng rau của phường Thống Nhất ai nấy rất lo lắng, bởi trong số gần 23ha đất thu hồi có đến 16ha của các hộ dân trong Tổ liên kết trồng rau nhiều năm nay và là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình.  

Vườn gừng xanh tốt của Tổ liên kết trồng rau phường Thống Nhất. Ảnh: T.Q

 

Ông Huỳnh Sử - Tổ trưởng Tổ liên kết trồng rau phường Thống Nhất lo  lắng: Việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất để xây dựng trụ sở các ban ngành của tỉnh được bà con nhân dân trên địa bàn phường nói chung và Tổ liên kết trồng rau nói riêng rất đồng tình ủng hộ và chấp hành nghiêm.

Tuy nhiên, làm sao để gắn với giải quyết việc làm, thu nhập cho người nông dân sau khi diện tích đất sản xuất bị thu hồi là vấn đề chúng tôi đang lo lắng. Bởi, rồi đây các hộ nông dân sẽ chuyển đổi sang ngành nghề gì để kiếm sống, trong khi họ đã gắn với nghề trồng rau hàng chục năm; và liệu với số tiền đền bù nhận được người nông dân có thể mua lại đất đai phù hợp để sản xuất? – Ông Sử chia sẻ.

Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề trồng rau, ông Nguyễn Văn Tỏ (81 tuổi) ở tổ dân phố 9, phường Thống Nhất – thành viên Tổ liên kết sản xuất rau của phường lo nghĩ về cuộc sống của gia đình, bởi 3 sào cà phê mới chuyển đổi và 4 sào nghệ - nguồn thu nhập chính của gia đình ông hàng năm rồi đây sẽ không còn.

Ông Tỏ giãi bày: Với người làm nghề trồng rau, không sợ gian khổ mà chỉ sợ nhất là không có đất để sản xuất. Người nông dân nếu muốn chuyển đổi ngành nghề thì phải có vốn đầu tư; còn nếu chấp nhận đi làm công thì liệu ai dám nhận những “công nhân” ở độ tuổi xế chiều như chúng tôi vào làm việc…

 

Ông Lương Hòa tiếc nuối vườn cà chua cho thu nhập cả trăm triệu đồng trong năm sắp bị thu hồi đền bù. Ảnh: T.Q

Ông Lương Hòa (56 tuổi) ở tổ dân phố 3, phường Thống Nhất - thành viên Tổ liên kết cho biết, gia đình ông hiện có 2,5ha đất trồng rau, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Trong 3 năm qua, chính nhờ nguồn thu nhập từ trồng rau, ông đã chu cấp đủ kinh phí cho đứa con đầu học đại học.

Hiện tại, lo nhất vẫn là làm sao để lo cho đứa con út đang học lớp 10 có thể vào đại học, nếu như số tiền đền bù không đủ để mua lại đất sản xuất phù hợp hoặc mua được đất nhưng lại không phù hợp với với điều kiện và khả năng lao động của bản thân.

Theo tính toán của các hộ nông dân trồng rau trong Tổ liên kết, trung bình mỗi sào đất trồng rau, một năm nếu được mùa, được giá có thể cho mang lại thu nhập cho nhà nông 50 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí.

Hiện tại, Tổ liên kết trồng rau phường Thống Nhất mỗi năm trung bình có thể cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 250-300 tấn rau, mang lại thu nhập cho mỗi hộ gia đình từ 200-300 triệu đồng/năm.

Không chỉ thu nhập cao, từ vựa rau này, hàng năm có thể giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động quanh vùng, nhất là lao động tại 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số là Kon Tum Kơ Nâm và Kon Hra Chót.

Việc thu hồi đất sản xuất để xây dựng các công trình hạ tầng và vấn đề hậu giải quyết đền bù cho dân vẫn đang là vấn đề nan giải. Bởi dẫu có tiền đền bù thì người nông dân vẫn không thể tự tìm kiếm được quỹ đất sản xuất tiếp tục giải quyết việc làm, tìm kế sinh nhai.

Bài học ở số nơi, sau khi nhận tiền đền bù người nông dân chỉ biết tiêu dần, tiêu mòn, trong khi bản thân thất nghiệp vì không có đất sản xuất, lại không biết làm nghề gì khác, đã khiến cho nhiều hộ dân trong Tổ liên kết trồng rau phường Thống Nhất không khỏi lo lắng.

Ông Huỳnh Sử cho rằng, lẽ đương nhiên Nhà nước có thu hồi thì sẽ có đền bù. Nhưng để đảm bảo cho các hộ nông dân làm nghề sản xuất rau sống ở khu vực nội thành với quỹ đất hạn hẹp có cuộc sống ổn định lâu dài, các cấp cần tính đến việc quy hoạch lại vùng rau hỗ trợ nông dân.

Theo ông Sử, làm như vậy vừa giúp ổn định cuộc sống, thu nhập cho người dân, vừa đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định của mặt hàng rau xanh ra thị trường của thành phố hiện nay.

Trước nỗi lo của bà con nông dân có diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất bị thu hồi, phường Thống Nhất vừa triển khai vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương thu hồi đất, tạo điều kiện để đơn vị chức năng triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng để phục vụ công tác kiểm kê lập phương án bồi thường.

Đồng thời, phường đang tính đến giải pháp đề xuất với thành phố rà soát quỹ đất nông nghiệp còn lại trên địa bàn để quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nhằm hỗ trợ cho các hộ dân phát triển sản xuất, đảm bảo giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân.

Tú Quyên

 

 

Chuyên mục khác