31/08/2019 06:29
Sau ngày giải phóng, để góp phần làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm cho bà con, các đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu đi đầu trong cuộc chiến chống lại đói nghèo. Theo đó, mỗi đảng viên được phân công phụ trách một nhóm hộ, ai cũng phải gương mẫu đi tiên phong trong lao động, sản xuất… Nhờ vậy, Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) từng bước đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Về Đăk Nông hôm nay, đâu đâu người dân cũng bàn tán chuyện chăm lo làm giàu. Cái đói chẳng còn, cái nghèo vẫn có, nhưng chỉ với những hộ neo đơn, đông con. Toàn xã có 9 thôn, 1.015 hộ với 3.629 nhân khẩu, trong đó DTTS chiếm 90%. Những năm qua, chính quyền và nhân dân trong xã chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy, người dân đã dần khai hoang trồng trọt, trong đó đa dạng hóa các loại cây trồng dài ngày như cao su, bời lời, cà phê với tổng diện tích hơn 650 ha. Diện tích lúa nước cũng được người dân chú trọng phát triển lên hơn 100 ha.
“Ruộng lúa nước được Nhà nước khuyến khích dân làm và hỗ trợ giống, phân, kỹ thuật. Giờ mỗi năm làm được 2 vụ lúa nên cũng chẳng ai lo đói nữa” - ông Bloong Sương (thôn Nông Nội) tự hào cho chúng tôi hay.
Anh Xiêng Lăng Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nông cho biết: Một số người dân ở 9 thôn, làng trong xã tham gia nhận khoán vườn cây của Nông trường Cao su Dục Nông (Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) nhằm tăng thu nhập của hộ gia đình. Việc con em tham gia làm công nhân cao su đã thực sự góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân; từ chỗ chỉ làm nương rẫy, đã chuyển dần sang phát triển các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cao su.
|
Để có được thành công đó, vai trò của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Theo đó, cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách từng hộ, nhóm hộ. Hàng tháng, mọi người nhóm họp để nắm tình hình, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau trước khi chi bộ họp. Bên cạnh đó, chính quyền xã Đăk Nông còn quan tâm tổ chức cho người dân đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương để mọi người học hỏi thêm cách làm giàu…
Là gia đình có bố mẹ từng tham gia kháng chiến, bản thân là bộ đội nên ông Xiêng Lăng Vơ (thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông) hiểu rõ những khó khăn, khổ cực của những ngày bom đạn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Xiêng Lăng Vơ cho biết, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9, gia đình ông lại vui như hội. Bốn người con đi làm ở xa đều tranh thủ về nhà, cùng với bố mẹ dâng hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác. Trong ngày này, đã thành truyền thống trong dịp sum vầy gia đình, lần nào ông cũng kể lại những ngày chiến đấu gian khổ, kể về tinh thần, ý chí quật cường của nhân dân ta. Ông dặn các con phải sống sao cho đúng, phải luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân, không phụ công ơn những người đã đổ mồ hôi, xương máu đem lại độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc.
Những ngày này, tại xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) không khí chuẩn bị đón Tết Độc lập cũng nhộn nhịp không kém. Bà con dọn dẹp đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, chỉnh trang lại nhà cửa để cùng nhau đón Tết Độc lập. Đã thành thông lệ, cứ đến sáng 2/9, mỗi gia đình tề tựu đông đủ các thành viên, cùng chuẩn bị hoa quả, làm mâm cơm dâng lên Bác rồi quây quần bên nhau đầm ấm.
“Cứ đến Quốc khánh 2/9, nhà nào cũng đều dâng hương, dâng hoa thể hiện lòng thành kính, biết ơn Đảng, Bác Hồ đã mang lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc” - ông A Brao, một người dân thôn Brông Mỹ chia sẻ.
Năm nay, ngoài việc mỗi nhà tự làm mâm cơm dâng Bác, trong ngày 2/9, thôn Brông Mỹ còn tổ chức các trò chơi dân gian tại nhà rông, tạo khí thế vui tươi trong ngày Tết Độc lâp.
Háo hức không kém người dân xã Đăk Môn và xã Đăk Nông, những ngày này, người dân thôn Măng Rao (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei) tập trung dọn vệ sinh sạch sẽ con đường vào thôn; cuốc cỏ, thu gom rác trong sân nhà, khuôn viên khu vực nhà rông.
Ông A Chan - Trưởng ban Mặt trận thôn chia sẻ, trước năm 1975, ông là bộ đội trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ngọc Hồi và tham gia mặt trận H40. Sau ngày giải phóng, ông theo vợ về sinh sống tại thôn này, hưởng chế độ thương binh 4/4. Những ngày về sinh sống ở đây, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9, ông và các hộ gia đình trong làng đều dâng hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác. Trong thôn còn tổ chức các hoạt động như mở hội đánh cồng chiêng, thanh niên tham gia thi đấu thể thao…
“Mặc dù kinh tế của một số gia đình còn khó khăn nhưng bà con vẫn chung tay tổ chức đón Tết Độc lập tươm tất để nhắc nhở bà con dân làng, đặc biệt thế hệ trẻ phải biết nỗ lực học tập, đoàn kết, giúp nhau làm kinh tế giỏi, tăng thu nhập, hỗ trợ và giúp đỡ 12 hộ nghèo còn lại trong thôn vươn lên thoát nghèo” - ông A Chan nói.
Kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, dọc hai bên đường làng, ngõ xóm nhiều thôn làng ở Kon Tum nhà nhà đều treo cờ Tổ quốc. Mọi người dân đón Tết Độc lập với lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng, với Bác Hồ đã dẫn dắt, soi đường và các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh, mang lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc hôm nay.
Cao Cường