Ơi người lính gác tiền tiêu

30/01/2019 13:23

​Xuyên đại ngàn đến với các chiến sĩ Biên phòng, chúng tôi đã không khỏi cảm động trước những câu chuyện rất đời thường, sự cống hiến lặng thầm của các anh - những người lính đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Một ngày cuối năm. Những cơn gió khô khốc mang hơi lạnh từ đại ngàn lồng lộng thổi về miền biên viễn, cái lạnh se se của buổi sáng sớm như cứ mơn man trên da thịt. Những câu chuyện râm ran trên chiếc xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chặng đường dài như gần hơn…

Từ Suối Cát…

Gần 9h sáng, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Suối Cát (huyện Ia H’Drai). Trung tá Hoàng Văn Điển - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Suối Cát đón chúng tôi tại sảnh trụ sở làm việc…

Đồn Biên phòng Suối Cát quản lý 18,5km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri của nước bạn Campuchia; địa bàn quản lý gồm một phần của 3 xã Ia Đal, Ia Tơi, Ia Dom (huyện Ia H’Drai), nên việc quản lý, bảo vệ đường biên cột mốc gặp không ít những khó khăn.

Tại đây, tôi được nghe nhiều câu chuyện đầy xúc động, mà những người lính Biên phòng đã nếm trải.

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Suối Cát chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ trung tâm tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cán bộ, chiến sĩ ở đây còn phải thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo…

Anh Sơn kể: Vào cái đêm mà lũ quét về xã Ia Đal vừa qua, anh em cán bộ, chiến sĩ trong Đồn không ngủ được. Khi nghe tin báo lũ, Ban chỉ huy Đồn hội ý chớp nhoáng, sau đó triển khai lực lượng chia làm hai tốp về hai thôn 3 và 4, nơi bị thiệt hại nặng nhất để giúp dân chống lũ, di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn…

Chuyện những người lính mang quân hàm xanh giúp người dân ở vùng biên giới tôi đã nghe rất nhiều. Không gian, hoàn cảnh khác nhau, nhưng mỗi câu chuyện đều chung sự tri ân sâu sắc đối với đồng bào biên giới mà các chiến sĩ Biên phòng hết lòng yêu thương, gắn bó….

Thế nhưng, những câu chuyện về sự cống hiến, chịu đựng gian khó, hy sinh thầm lặng trên đường tuần tra bảo vệ biên giới của chính bản thân mình, lại ít khi được các anh nhắc đến. Khiêm tốn là vậy, bởi các anh xác định nhiệm vụ thiêng liêng của các anh chính là vững chắc tay súng bảo vệ vùng đất, vùng trời thân yêu của Tổ quốc…

Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Đal gắn bó với mảnh đất biên cương này từ năm 1987, nên đã chứng kiến rất nhiều về sự cống hiến, hy sinh lặng thầm ấy…

Nhấp một ngụm trà vối, anh Sơn nói: Đối với mình, mảnh đất biên giới Tây Nam này không có chỗ nào mà mình chưa đi đến. Năm 1987 về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Sa Thầy, sau đó được luân chuyển nhiều đơn vị Biên phòng khác nhau, nhưng đối với mình chỗ nào cũng đầy ắp những kỷ niệm khó quên…

Anh Sơn kể: Vào những năm 90 của thế kỷ XX, chuyện đi đồn Biên phòng thật là nan giải chứ không như bây giờ. Đường sá lúc ấy chưa được thông suốt, toàn đường rừng. Mùa khô thì dễ đi hơn, nhưng bụi mù trời. Mùa mưa thì lầy lội, trơn tuột, tắc đường khi lũ kéo về… Ấy vậy mà nhiệm vụ tuần tra không được phút lơ là. Mưa, lũ…cũng phải đi. Số lượng lương thực mang theo chỉ có hạn, nên khi gặp lũ, tắc đường, anh em chiến sĩ phải nhịn đói nhiều ngày trời… Những lúc như thế, các chiến sĩ phải tìm hái rau rừng để ăn trừ bữa. Có những lúc hái nhầm rau độc, khi ăn xong các chiến sĩ bị ngộ độc, ói mửa giữa rừng sâu. Rất may, có chiến sĩ không ăn rau nên còn tỉnh táo, cắt rừng, vượt lũ về đơn vị thông báo, các chiến sĩ mới được cứu kịp thời…

Thực hiện chủ trương của Bộ đội Biên phòng đưa cán bộ đảng viên tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, nhiều năm nay, Đồn Biên phòng Suốt Cát đã đưa anh Nguyễn Hồng Sơn tăng cường về xã Ia Đal làm Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Trung tá Hoàng Văn Điển chia sẻ: Hiện tại, đơn vị có 6 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn và 1 đảng viên làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Số đảng viên tăng cường về thôn, xã đều phát huy tốt năng lực của mình.

Với vai trò tham mưu, những đồng chí này đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến, giúp cấp ủy và chính quyền xã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bản thân các đồng chí này luôn gương mẫu, vận động nhiều đảng viên trong xã thực hiện tốt chế độ sinh hoạt Đảng cũng như tiên phong trong vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện quy chế biên giới, tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

…đến Sê San

Rời Đồn Biên phòng Suối Cát, chúng tôi bắt đầu hành trình về Đồn Biên phòng Sê San. Con đường bụi mù ngày xưa giờ đã được thay thế bằng Quốc lộ 14C phẳng lì nhựa bê tông. Tôi thầm nghĩ: Chả bù cho ngày xưa, mỗi lần đi biên giới là một lần vất vả…

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê San tăng gia sản xuất

 

Trước khi đến, tôi đã chủ động điện cho Thượng tá Nguyễn Đình Tuệ - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sê San, nên đến nơi đã thấy anh chờ.

Thượng tá Nguyễn Đình Tuệ cho biết: Anh em chiến sĩ đang đi tuần tra ngoài cột mốc, mấy ngày nữa mới về. Đồn quản lý bảo vệ 9,5km đường biên giới, dọc theo ngã ba sông Sa Thầy đến ngã ba sông Sê San và bảo vệ 2 mốc chính, 5 mốc phụ, phía nam tiếp giáp với tỉnh Gia Lai. Những năm qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, đơn vị còn luôn phối hợp tốt với lực lượng Biên phòng tỉnh Gia Lai, lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia phía đối diện tuần tra chung, trao đổi thông tin về tình hình biên giới, tình hình vi phạm và tội phạm trên tuyến biên giới. Vì vậy, những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực được giữ vững.

Trung tá Hoàng Ngọc Sáng - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sê San vui vẻ cho biết: Suốt 5 năm qua (2013-2018), Đồn luôn đạt danh hiệu Quyết thắng về xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện, trong đó có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, vận động quần chúng và giúp dân tăng gia sản xuất…

Với đặc thù của Đồn, đường biên giới dọc theo sông Sa Thầy- phía bên kia là đất bạn Campuchia, nên nhiệm vụ tuần tra ven sông thật là khó khăn, nguy hiểm. Mùa khô thì không nói gì, nhưng vào mùa lũ, nước sông Sa Thầy chảy xiết, anh em đi tuần tra nếu sơ suất, rất dễ nguy hiểm tính mạng. Và cũng đã có trường hợp chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra ngoại biên, cơn lũ rừng bất chợt đổ về… anh đã ra đi mãi mãi, để lại tuổi thanh xuân nơi đại ngàn xanh thẳm cùng bao tiếc thương cho người thân và đồng đội.

Với đặc thù địa bàn dân cư, cũng như bao đồn Biên phòng khác, Đồn Biên phòng Sê San còn làm nhiệm vụ giúp nhân dân thôn 8, xã Ia Tơi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trung tá Hoàng Ngọc Sáng chia sẻ thêm: Đơn vị cử một đảng viên xuống tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn, đảng viên này đã phát huy tích cực vai trò trong vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; thực hiện tốt quy chế biên giới, không phát rừng làm rẫy và yên tâm ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Thôn 8, xã Ia Tơi có 134 hộ, 360 nhân khẩu, nhưng có tới 80% hộ nghèo, cận nghèo, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đơn vị đã trích nguồn kinh phí tăng gia của Đồn, hỗ trợ nuôi bò sinh sản theo cách nuôi đẻ luân phiên. Hộ này nuôi bò, sau khi bò sinh xong con thì luân phiên cho hộ khác nuôi đến khi bò đẻ tiếp lứa mới… Cứ như vậy, chỉ trong vòng 2 năm qua, đã có 4 gia đình được 4 con bò nghé, tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ đội Biên phòng phát động, Đồn còn hỗ trợ hàng trăm suất quà là sách vở cho các em học sinh nghèo vươn lên trong học tập; nhận đỡ đầu 4 học sinh tại các trường trên địa bàn xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, mỗi suất 400 ngàn đồng/em/tháng…

Chia tay các anh sau khi đã tai nghe, mắt thấy những câu chuyện cảm động. Trên đường về phố thị, tôi được nghe bài hát “Nơi đảo xa” từ chiếc máy hát trên chiếc xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nơi tôi vừa đi qua không phải là nơi đảo xa như lời bài hát, nhưng dù nơi hải đảo xa xôi hay miền biên giới ngút ngàn gió núi, ở nơi đó vẫn in đậm dáng hình của người lính Biên phòng đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc… Bất giác tôi thầm gọi, ơi người lính gác tiền tiêu!

Bài ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác