Ở nơi “nguy hiểm nhất”

29/07/2021 06:10

Kể từ khi phát hiện các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, thì các chốt kiểm soát dịch của tỉnh trở thành nơi “nguy hiểm nhất”, và chốt kiểm soát Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) lại là nơi “nguy hiểm nhất trong những nơi nguy hiểm”.

Tôi giật mình khi nhìn lượng người và phương tiện nườm nượp rẽ vào khu vực khai báo y tế ở chốt kiểm soát dịch Sao Mai, lúc này là 17 giờ ngày Chủ Nhật, 25/7.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-29 ở các tỉnh, thành phía Nam bùng phát mạnh, lượng người về tỉnh ngày một đông, thì áp lực ngày càng tăng, khối lượng công việc của lực lượng trực chốt ngày càng lớn, đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm ngày một cao, bởi khả năng có F0 luôn thường trực.

Lưng áo ướt mồ hôi, dù trời khá mát mẻ, vì phải chạy như con thoi trong ca trực để điều hành, phối hợp giữa các bộ phận đảm bảo trơn tru, nhịp nhàng, không gián đoạn, nét mặt anh Phan Thanh Nam- Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, trưởng ca trực ngày 25/7 tại chốt Sao Mai luôn căng thẳng vì lượng người và phương tiện đổ về đông.

Những nhân viên trực chốt kiểm dịch luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài. Ảnh: Hoàng Thanh

 

Từ giữa tháng 7, lượng người từ các tỉnh phía Nam về tỉnh hoặc đi qua địa bàn tỉnh bằng xe máy để về các tỉnh miền Trung, miền Bắc tăng dần, đến ngày 24/7 và 25/7 thì tăng mạnh, không còn đi riêng lẻ nữa, mà người dân đi thành đoàn, với số lượng lớn, nên công tác phòng, chống dịch bệnh càng khó khăn, vất vả hơn- anh Phan Thanh Nam cho hay.

Theo thống kê của anh Phan Thanh Nam, chỉ tính riêng trong 2 ngày 24, 25/7, đã có 4 đoàn, với 248 xe mô tô/hơn 400 người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, theo đường Hồ Chí Minh về địa bàn tỉnh và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc bằng xe mô tô, qua chốt kiểm soát Sao Mai.

Chúng tôi luôn được cảnh báo, và cũng cảnh báo với anh em về nguy cơ có F0. Từ ngày 19/7, khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, thì đó không còn là “cảnh báo”, là “nguy cơ” nữa, mà đã hiện hữu. Chúng tôi luôn đối diện với việc lây nhiễm bất cứ lúc nào, và luôn phải chuẩn bị tâm lý cho chuyện xấu nhất ấy- anh Nam nói.

Theo thông báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, đến ngày 27/7 có 3/6 ca Covid-19 được phát hiện kịp thời qua xét nghiệm tại chốt Sao Mai và đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến 01 của tỉnh. Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng.Việc chốt Sao Mai kịp thời phát hiện và cách ly ngay 3 ca nhiễm Covid-19, không để xâm nhập vào tỉnh đang là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong tỉnh.

Bên cạnh sự lo lắng về diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, người dân dành sự khen ngợi, đánh giá cao vai trò của chốt kiểm soát dịch Sao Mai và tinh thần trách nhiệm của lực lượng trực chốt, và rất nhanh chóng, chốt Sao Mai được gọi là “lá chắn thép” của tỉnh.

Trực chốt, nhất là chốt nằm trên trục đường chính vào tỉnh như Sao Mai, công việc chưa bao giờ là nhẹ nhàng và hết áp lực.

Phương tiện lũ lượt đổ về, theo tín hiệu của lực lượng cảnh sát giao thông trực ở đầu chốt chầm chậm rẽ vào bên đường rồi tiếp tục theo hướng dẫn vào chốt kiểm dịch để được kiểm tra, ghi chép lại biển số, số lượng người trên xe, phát tờ khai báo y tế, lấy mẫu, khử khuẩn phương tiện...

Lau vệt mồ hôi chảy dài trên trán, một nữ nhân viên y tế phải tựa vào bàn mới đứng vững, bởi đôi chân đã mỏi nhừ vì đứng suốt cả buổi để hướng dẫn người qua chốt khai báo y tế.

Tôi đã tham gia làm nhiệm vụ ở chốt Sao Mai hai đợt dịch, đây là đợt thứ ba. Hai đợt dịch trước, chúng tôi cũng rất bận rộn, nhưng áp lực không cam go, dữ dội như lần này. Chúng tôi luôn phải gồng mình giải quyết công việc nhanh nhất để không xảy ra ùn tắc, tăng nguy cơ lây nhiễm. Ai cũng phải tự thân vận động tối đa. Nhiều người muốn kiệt sức- cô nói qua hơi thở.

Nhân viên trực tại chốt có sự tham gia từ nhiều lực lượng, nhiều đơn vị, mỗi người đều có nhiệm vụ cụ thể, chủ lực là nhân viên y tế, huy động cả nhân viên y tế trường học.

Sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân là nguồn động viên rất lớn để lực lượng trực chốt Sao Mai nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Thành Hưng

 

Thường thì mỗi ca trực sẽ có khoảng 11 thành viên, gồm các lực lượng đảm trách an ninh, dừng phương tiện (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) và các nhân viên y tế. Không ai bảo ai, đến giờ vào ca là tất cả có mặt, mỗi người một nhiệm vụ, được phân công cụ thể nhưng phải đảm bảo phối hợp chặt chẽ với nhau để hoàn thành tốt công việc.

Mấy hôm nay, thời tiết rất thất thường, đang nắng chói chang, mồ hôi đầm đìa bất chợt đổ mưa, người lại ướt sũng, vất vả thật đấy, nhưng anh em động viên nhau cố gắng vượt qua, chỉ sợ đang làm nhiệm vụ mà đổ bệnh ra thì ai thay.

Một ca trực 8 tiếng, anh em chia làm 2 nhóm, cứ 4 tiếng đổi một lần, đói không dám ăn, khát không dám uống. Với sự nỗ lực và hy sinh, những nhân viên trực chốt chính là lớp lá chắn đầu tiên trên tuyến đầu ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn.

Chúng tôi có cảm giác mình đang đánh “giặc”, nhưng không phải “giặc” thông thường, mà là một “loại giặc” vô cùng nguy hiểm, không thấy bằng mắt thường, lây lan và tấn công rất nhanh- một nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít chia sẻ bằng giọng khàn đặc khi thay ca, rồi vội vàng chạy đi tìm nước uống.

Sẽ không ngoa nếu tôi cho rằng, trong cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh, các chốt kiểm soát dịch là nơi “nguy hiểm nhất”, và chốt kiểm soát Sao Mai là nơi “nguy hiểm nhất trong những nơi nguy hiểm”. Bởi khác với bệnh viện hoặc khu cách ly, đều đã xác định được đối tượng để có sự chủ động phòng lây nhiễm, thì ở chốt, tất cả đều không có thông tin, và F0 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, là bất cứ ai trong hàng trăm, hàng ngàn người qua chốt.

“Nếu hỏi tôi có sợ không, chắc chắn câu trả lời là có, vì tôi cho rằng, bất cứ ai đều sợ khi phải đối mặt với dịch bệnh, nhưng tôi sẽ không từ bỏ, vẫn làm hết trách nhiệm và lương tâm của mình, vì phía sau tôi là gia đình, là họ hàng, là cộng đồng. Nếu vì sợ mà lùi bước thì lấy ai làm việc để bảo vệ sự bình yên cho hậu phương”- một chiến sĩ công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại chốt thành thật chia sẻ. Anh lắc đầu khi tôi hỏi tên.

Tranh thủ lúc vắng người hiếm hoi ở chốt, mấy chị phụ nữ tay xách nách mang đi tới. Hỏi ra mới biết là các chị ở một trường tiểu học dến tặng quà cho lực lượng trực chốt. Toàn những mặt hàng thiết yếu cả, như nước uống, sữa, mì tôm, khẩu trang, nước sát khuẩn, trái cây…

Trực ở đây dù vất vả, căng thẳng thật đấy, nhưng luôn ấm lòng bởi tình cảm của mọi người. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc của mình. Và dù áp lực đến mấy, chúng tôi vẫn hứa luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình với trách nhiệm cao nhất- anh Phan Thanh Nam chia sẻ.

Tôi lặng lẽ rời đi. Bên tai vẫn văng vẳng giọng nói nhẹ nhàng, kiên nhẫn của cô nhân viên y tế: Anh về đâu ạ? Vậy thì mời anh đi hướng này. Chị về đâu ạ? Hướng này nhé…

Bóng dáng nhỏ bé, khoác bộ đồ bảo hộ nóng đến "bực cả người" của cô bỗng vụt lớn lên trong nắng chiều.

Đẹp và vững chãi đến lạ.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác