Ở ngôi trường ngập tràn niềm vui

10/09/2018 12:59

​Với các em học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Kon Tum), mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Bởi ở nơi ấy, ngoài được học những điều hay bổ ích, các em được hít thở không khí trong lành với cảnh quan xanh - sạch - đẹp; được hồn nhiên trải nghiệm các trò chơi dân gian hấp dẫn. Và hơn hết, mỗi ngày đến trường, các em lại được sống, đùm bọc trong tình yêu thương của thầy cô, bạn bè…

Mỗi ngày đến trường là một niềm vui

Ngập tràn niềm vui với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn - là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân vào Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Bên trong sân trường, các dãy phòng học được che mát bởi những hàng cây rợp bóng. Ngoài tiếng học sinh văng vẳng đọc bài, hút mắt là những màu sắc hấp dẫn của khu vui chơi: bập bênh, đu quay, ô ăn quan, nhảy lò cò; là giếng nước từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám; những kệ sách được treo trên các gốc cây; là những câu châm ngôn, lời hay ý đẹp từ 2 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh) nằm gọn gàng; là bảng cửu chương, là câu đố, những vườn hoa ngát sắc hương…  

Đắm chìm trong không gian sạch đẹp, tươi mát, tùng… tùng… tùng… - tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi. Từ các lớp, hàng trăm em học sinh như những đàn se sẻ nô nức ùa ra sân. Tốp ríu rít rủ nhau chơi đu quay, tốp thong dong ngồi chơi trên tượng 2 chú trâu; tốp lại thi thể lực qua những thanh xà đơn; nhiều em đố trí nhau trên những ván cờ, ô ăn quan; tốp lại chọn cho mình vị trí yên tĩnh say sưa bên những quyển truyện tranh; nhiều em lại hăng say với trò nhảy dây, nhảy lò cò… Khắp sân trường, chỗ nào cũng rộn tiếng cười, tiếng nói ríu rít; gương mặt ai cũng hớn hở, phấn khởi.

Quệt giọt mồ hôi thấm trán, em Nguyễn Lâm Hùng – học sinh lớp 4B phấn khởi: Đi học vui lắm! Đến đây em được học kiến thức, được vui chơi với các bạn. Mỗi ngày em đều muốn đến trường thật sớm.

Sân chơi rộng hơn 900m2 giúp các em giải trí sau những giờ học

 

Say mê với những bàn cờ trên sân trường, em Lê Phạm Hoàng Ngọc, học sinh lớp 2A cũng hào hứng không kém. “Em mới được các bạn bày cho cách chơi cờ, chơi ô ăn quan. Đến trường chúng em mới được chơi các trò chơi dân gian, hấp dẫn, thoải mái lắm” – Hoàng Ngọc dõng dạc.

Là học sinh ở vùng ven, đa số bố mẹ đều làm nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên các em ít có cơ hội được đến các khu vui chơi. Chính vì vậy, khi trong trường có khu vui chơi mini, hầu như em nào cũng rất thích.

Không chỉ đem lại niềm vui, giải trí cho học sinh, khu vui chơi mini trong trường còn giải quyết được nhiều vấn đề khác. “Năm học này, lượng học sinh ở 2 điểm trường thôn quá đông, nhà trường phải vận động phụ huynh đưa con ra điểm trường chính học tập. Vì đường sá xa xôi, nhiều phụ huynh nhất quyết không chịu chuyển chỗ. Thế nhưng, khi ra trường chính, thấy khu vui chơi xanh - sạch - đẹp nên phụ huynh đổi ý định, đồng ý cho con ra đây học. Nhờ đó giải quyết được tình trạng quá tải” - cô Nguyễn Thị Mỹ Huế - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhờ có điểm vui chơi trong trường, ngay từ đầu năm học, tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần 100%. Không chỉ vậy, trước đây nhiều em còn đi muộn giờ, nhưng nay, đồng hồ mới điểm 6h30 phút, các em đã đông nghịt trên sân trường.

Đặc biệt, có chỗ vui chơi, phụ huynh cũng yên tâm hơn khi con đến trường. “Nhiều hôm đi làm về muộn, không kịp đón, tôi cứ sợ cháu chạy lung tung ra đường. Nay các cháu quanh quẩn trong khu vui chơi, chúng tôi yên tâm hơn. Khu vui chơi thật sự rất bổ ích, phụ huynh chúng tôi rất đồng tình”- chị Nguyễn Thị Sáng, thôn Thanh Trung nói.

Biến cái khó thành điểm thu hút

Trường Tiểu học Lê Văn Tám nép gọn bên Tỉnh lộ 675 thuộc phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum). Nhìn vào diện mạo hôm nay, ít ai biết rằng ngôi trường vùng ven này còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

“Ngày trước, trường chưa có sân bê tông, mùa mưa đất đỏ nhão nhoẹt, phòng ốc xuống cấp, học sinh đi học vất vả lắm”- cô Huế cho biết.

Không để cái khó ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện của học sinh, nhà trường kêu gọi phụ huynh cùng nỗ lực thay đổi diện mạo. “Phụ huynh nơi đây điều kiện kinh tế cũng khó khăn nên nhà trường cũng e dè trong việc vận động xã hội hóa. Thế nhưng khác với suy nghĩ ban đầu, phụ huynh rất đồng tình ủng hộ nên nhà trường có động lực thực hiện” – cô Huế chia sẻ.

Nguồn lực đến đâu làm đến đó, năm học 2016-2017, nhà trường vận động phụ huynh, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa xây dựng bồn hoa, làm một phần sân bê tông. Trong quá trình làm, nảy ra ý tưởng tạo sân chơi dân gian, thầy cô cùng cặm cụi tìm hiểu, vẽ ô ăn quan, bàn cờ trên sân để các em giải trí trong giờ ra chơi.

Năm học 2017-2018, nhận thấy phía trước cổng trường hay bị trũng, thầy cô họp bàn, nghĩ ra cách “biến” cái xấu thành điểm thu hút. “Cùng sự góp sức của phụ huynh, chúng tôi lên ý tưởng làm phần sân bê tông ở khu tập thể dục, thiết kế làm kè ở phần cổng trường để tránh ngập úng đồng thời xây dựng các bồn hoa, chừa lại một khoảng trống làm khu vui chơi cho các em” – cô Huế chia sẻ.

Ý tưởng được vạch ra, trong năm học, vừa tập trung giảng dạy, thầy cô vừa dành thời gian làm các trò chơi: bập bênh, đu tay, xà đơn… Thấy số trò chơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các em, thầy cô bèn góp tiền, dành nguyên mùa hè để thiết kế, xây dựng khu vui chơi hấp dẫn.

Nguyên mùa hè, hầu như ngày nào các cô cũng có mặt trên trường, cùng nhặt nhạnh vỏ chai, lốp xe, đi xin cát, vật liệu… để làm sân chơi cho các em. Toàn trường chỉ có 2 giáo viên nam nên hầu hết những phần việc từ nặng đến nhẹ, đều do các cô đảm nhiệm.

“Chúng tôi hình dung, lên ý tưởng rồi cùng triển khai. Không chỉ làm các trò chơi rèn luyện trí tuệ, thể lực, chúng tôi mô phỏng không gian từ các câu chuyện cổ tích như Tấm Cám để các em vừa chơi vừa học. May mắn, nhà trường được các đoàn viên thanh niên trên địa bàn phường cùng hỗ trợ nên khu vui chơi rộng hơn 900m2 hoàn thành trước năm học mới” – cô Lê Thị Trung Ly - Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Không chỉ làm khu vui chơi tại điểm trường chính, thầy cô còn chung sức, chung tay làm bập bênh, xích đu… tại 2 điểm trường ở thôn. Cùng với đó, thầy cô cũng tu sửa, sơn, trang trí lại các phòng học xuống cấp để các em yên tâm đến lớp.

Ánh mắt rạng ngời khi nhìn thấy các em học sinh hồn nhiên, nô nức vui chơi, cô Huế xúc động: Các em nơi đây còn nhiều thiệt thòi, ngoài nhiệm vụ, trách nhiệm, chúng tôi lấy tình thương để bù đắp, san sẻ. Chúng tôi luôn cố gắng để các em được hồn nhiên vui chơi, được tự do trải nghiệm, được trở thành những đứa trẻ hạnh phúc.

Khoác lên mình một chiếc áo đẹp để đón chào một năm học mới, thầy cô Trường Tiểu học Lê Văn Tám luôn nỗ lực từng ngày để dạy dỗ, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện về thể chất và tính cách, làm người có ích cho xã hội...

Bình An

Chuyên mục khác