Ở lại với rừng

26/04/2019 06:33

Sau chiến tranh, những anh “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa không trở về quê hương mà quyết định ở lại nơi chiến trường mình đã từng gắn bó- đó là vùng rừng núi xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà). Bởi, tại nơi đây họ đã bén duyên với những sơn nữ xinh đẹp Xơ Đăng. Bây giờ, họ là “đầu tàu” trong công cuộc dựng xây ở quê hương thứ hai…

Xóm “bộ đội”   

Ông Phạm Công Lực (71 tuổi, ở thôn Đại Đoàn Kết- thôn 4, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) là một trong số những người ở lại với vùng rừng núi Đăk Ui- nơi ông đã “vào sinh ra tử”.

Ông Phạm Công Lực rất cởi mở và vui vẻ khi tiếp xúc. Gặp chúng tôi, biết được mục đích chuyến thăm, ông rất vui vẻ, niềm nở tiếp chuyện.

Ông Lực cho biết ông xuất ngũ năm 1975, nhưng mãi đến nay vẫn là "cán bộ". Thoáng chút tự hào trên gương mặt, ông kể tiếp: Hết tham gia các hội đoàn thể, về làng bị "bắt" làm thôn trưởng mấy nhiệm kỳ. Quê tôi ở Nam Định, nhưng vào Tây Nguyên từ ngày trai trẻ cầm súng kháng chiến. Duyên phận với vùng đất cách mạng này, đến nay, thời gian tôi gắn bó mảnh đất Đăk Ui dài hơn cả nơi "chôn nhau cắt rốn".

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 12/1975 ông xuất ngũ. Khoác ba lô rời đơn vị nhưng ông không đi về quê mà từ thị xã Kon Tum (cũ) đi ngược về phía rừng. Hồi đó, bà Y Đức, vợ ông vẫn chưa xuất ngũ. Chuyến về rừng lần này, ông Lực chỉ một mình, khác nữa là vai không mang súng nhưng chiếc ba lô thì nặng trĩu đường mưu sinh.

"Biết rồi cũng sẽ ra quân nên vợ chồng tôi hẹn nhau: nơi nào thấy đất oằn lên do con giun đào là về đó lập nghiệp. Vậy là tôi về đất này trước vợ một năm" - ông Lực nói. Một năm sau vợ ông Lực ra quân, cũng là lúc cây mì ông trồng củ to bằng bắp chân. "Mân mê củ mì trên tay, tôi bảo vợ vậy là sống được"- ông Lực kể.

Lúc này có khoảng một tiểu đội bộ đội xuất ngũ quê tận Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… cũng đưa gia đình cùng về cư ngụ: mỗi nhà có 1 ba lô tòng teng trên vai và đứa con nhỏ, ngoài ra chẳng có gì.

Tất cả đều là gia đình bộ đội xuất ngũ, chồng là người phía Bắc, lấy vợ là người Xơ Đăng, Ba Na, Jẻ Triêng... Vài năm sau, 18 hộ gia đình bộ đội xuất ngũ về đây cùng thành lập thôn 4, lấy tên Đại Đoàn Kết, bây giờ gọi xóm "bộ đội" thì người trong vùng ai cũng biết. 

Những người lính ở lại đầu tàu trong phát triển kinh tế ở Đăk Ui

 

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng ban đầu cuộc sống của những “gia đình bộ đội” ở Đăk Ui đầy khăn khó. Muốn có gạo ăn phải xuống tận thị xã Kon Tum. Sáng đi, may mắn thì chiều về nhà. Mua không được gạo thì ngủ vờ vật đâu đấy để sáng hôm sau xếp hàng mua cho bằng được. Không có thực phẩm và đồ ăn, các ông chồng cõng gạo bán ra "chợ đen", lấy tiền mua sữa, vải… cõng về.

Khi thiếu lương thực, 18 hộ gia đình bộ đội cứ vào rẫy người Xơ Đăng đào củ mì gòn mà dùng. Đồng bào rất thương bộ đội, họ cho ăn thỏa mái, không cần phải xin. Cái ấm áo ấy phần nào đã cưu mang, giữ chân những chàng lính chiến khi gương mặt vừa nhòe xong khói đạn chiến tranh, đối mặt với cuộc sống đời thường. Ông Phạm Công Lực trầm ngâm kể về một thời đầy khó khăn, gian khổ, dường như ông không nói với tôi mà như đang thủ thỉ với chính mình về những nghĩa tình cưu mang của đồng bào Xơ Đăng với những “gia đình bộ đội” trong buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, như nhắc nhở mình không bao giờ được quên.  

Cả làng đi xem mặt “cô dâu Tây Nguyên” 

Không hề giống những cuộc tình "đi qua rồi quên lãng" mà mối tình của các anh bộ đội với các cô gái dân tộc thiểu số Kon Tum là những mối tình đẹp, đầy lãng mạng, thủy chung son sắt. Để rồi, sau chiến tranh, vì tình yêu, trách nhiệm ấy, khi xuất ngũ họ tự nguyện ở lại với vùng đất mà họ từng cầm súng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, ở lại với người thương để “xe tơ kết tóc, nên nghĩa vợ chồng”, mặc dù với họ nghĩa tình với quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn, với mẹ cha bao giờ sâu nặng.

Chúng tôi nghĩ, có lẽ đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của những người lính cách mạng khi về với đời thường, nhưng cuối cùng tình yêu thủy chung đôi lứa đã níu kéo họ “ở lại với rừng”.

Hôm ngồi với chúng tôi, các cựu binh “xóm bộ đội" hay nhắc đến mối tình trắc ẩn của Trung úy Phan Văn Nhung - lính đặc công dạn dày với bao điều thương cảm. Khi vào Tây Nguyên, hoạt động trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, Đăk Tô - Tân Cảnh ác liệt, chàng đặc công "ăn sóng nói gió" hòa nhập nhanh với phong tục đồng bào tại chỗ, từ cách sống, ăn uống và nhất là "cái bụng thật lòng" nên rất được đồng bào thương, trong đó có cô văn công xinh đẹp Y Nhàn. Năm 1971, nhờ vun đắp của đồng đội, hai người thành vợ chồng. Sau ngày giải phóng, cả hai được đơn vị cho xuất ngũ. Thực hiện lời thề, chàng trung úy đặc công đưa vợ là người Triêng về vùng đất Đăk Ui sinh sống. Cuộc sống vợ chồng êm đềm và các đứa con lần lượt ra đời, dù vật chất vẫn trăm bề khó.

Có một bận, chàng trung úy đặc công Phan Văn Nhung lấy xe honda 67 đưa vợ về thành phố Vinh (Nghệ An) thăm gia đình. Nghe đồn đoán thằng Nhung lấy vợ là người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cả dòng tộc kéo nhau đến xem mặt. Khi đã nhìn Y Nhàn rồi, họ hàng ai nấy đều trầm trồ: “Vợ của Nhung còn đẹp hơn gái họ làng mình”.

Sau đó, họ hàng, người quê ai cũng muốn ông Nhung ở lại làng sinh cơ lập nghiệp, nhưng Nhung quyết tâm đưa vợ về vùng đất họ gặp nhau, hẹn nhau sống đến cuối đời như lời hứa khi yêu nhau. Thế nhưng “hương lửa vợ chồng” không trọn vẹn như lời hứa của đôi lứa khi yêu nhau, ngày vượt cạn sinh đứa con thứ 4, bà Y Nhàn mất. Từ ngày vợ mất, ông Nhung rất buồn đâm ra hay mượn rượu để giải sầu. Mặc dù theo phong tục Triêng, vợ mất thì gia đình bên vợ sẽ làm tục "nối dây" cho ông Nhung lấy em vợ là Y Geo, nhưng nỗi buồn của ông không hề vơi đi.

Một bận, chèo ghe đi chặt lá khoai (khoai môn) về nuôi heo, ông Nhung gặp bạn mời rượu. Khi đã uống ngà ngà, dù bạn đã khuyên ở lại, nhưng ông vẫn cương quyết trở về. Hôm đó, ông Nhung chèo thuyền trong cơn say nên rơi xuống hồ và mất đi, bỏ lại 5 đứa con và Y Geo - người vợ trẻ sau này. Bây giờ, cả 5 đứa con ấy đã trưởng thành, tham gia công tác địa phương và lập gia thất.

Mối tình giữa chàng trai bộ đội thời chiến Phan Văn Nhung đã yêu và cưới cô gái Triêng Y Nhàn mãi là mối tình đẹp ở “xóm bộ đội" mà mọi người thường nhắc đến. 

Ngoài mối tình này, ở “xóm bộ đội" còn nhiều mối tình đẹp khác. Lúc ấy, tình yêu nam nữ trong bộ đội chiến đấu tuy không hoàn toàn cấm đoán, nhưng nhiệm vụ của chiến sĩ nên được chỉ huy đơn vị nhắc nhở hạn chế tối đa.

Ấy thế nhưng cũng có chàng trai bộ đội vì tình yêu đã “vượt rào” để cưới người mình yêu: đó là trường hợp người lính Nguyễn Xuân Nhàn. Ông quê Hà Tây (giờ là Hà Nội), đi lính vào Tây Nguyên và yêu cô gái người Triêng tên Y Canh (ở làng Đăk Ba, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi).  

Sau thống nhất đất nước, ông Nhàn cũng không về quê mà đưa vợ con về “xóm bộ đội". Trong khi đó, sau giải phóng chờ mãi không thấy ông Nhàn trở về và cũng không nhận được tin tức, người nhà ông Nhàn cứ ngỡ ông đã hy sinh nên lập bàn thờ. Vậy mà, “đùng một cái” ông Nhàn đưa vợ về quê giữa sự ngơ ngác, mừng vui rơi nước mắt của người nhà. Lúc ấy, gia đình khuyên ông nên ở quê sinh sống. Ở lại quê được 3-4 năm, ông Nhàn lại đưa vợ về với “xóm bộ đội”.

Trong 18 mối tình giữa người lính cách mạng và sơn nữ Tây Nguyên ở “xóm bộ đội", cuộc tình của ông Trần Xuân Lành (79 tuổi) và bà Y Xả là viên mãn nhất. Ông Lành là lính hỏa lực pháo, còn bà Xả (ở làng Nú Vai, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei), cán bộ Trường quân chính khu vực Bắc Tây Nguyên. Ông Lành kể, ngày cưới của ông (cũng là duy nhất) được người làng đứng ra tổ chức, còn đơn vị cử người đến dự.

Ông Lành kể, làng Nú Vai "bắt chồng” cho gái làng đều làm theo phong tục của người Jẻ. Trước khi cưới nhau, phải làm phong tục "uống nước nóng" trước. Nghĩa là "nhốt" ông Lành và bà Y Xả ở cùng phòng rồi ngủ. Sáng hôm sau, cả hai phải "báo cáo" với già làng giấc mơ của mình. Nếu giấc mơ hợp điềm lành, già làng thông báo cho cưới. Tiếp theo là phong tục "ngủ thử", cả đôi trai gái cả đêm chung phòng trên nhà đầm ngoài rẫy, tâm sự với nhau. Nếu "ăn cơm trước kẻng" sẽ bị ma rừng trừng phạt; cả làng phạt vạ. Cuối cùng là phong tục: ngày cưới chàng rể và cô dâu chịu cho già làng bôi máu gà trộn rượu trên đầu, trên cổ, trước chứng kiến của gia đình và người làng để vợ chồng không được bỏ nhau.

Ông Lành và bà Y Xả sống với nhau hạnh phúc và 10 đứa con khỏe mạnh lần lượt chào đời. "Con tui đều thành đạt cả, trong đó có 2 bác sĩ đa khoa, 1 sĩ quan biên phòng, 1 cán bộ huyện, còn lại là giáo viên các cấp" - ông Lành cười mãn nguyện.

“Đầu tàu” của địa phương

Anh Bùi Thu Sa- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui cho biết, hầu như thế hệ sau của những người lính có vợ là sơn nữ địa phương lập nghiệp ở làng Đại Đoàn Kết đều thành đạt, đây là thôn khá giả nhất xã, luôn đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Ngoài ra, nhờ những cựu binh này mà đồng bào Xơ Đăng trong vùng biết làm ăn, nhiều người còn biết làm giàu khi học hỏi những người bộ đội xuất ngũ sống tại làng Đại Đoàn Kết.

"Cuộc sống khá lên từ khi có cây cà phê. Tuy nhiên, bọn tôi là bộ đội xuất ngũ, nên khi Nhà nước hỗ trợ cây, con giống phát triển kinh tế gia đình, gia đình chúng tôi xung phong làm trước, để đồng bào thấy hiệu quả mà làm theo"-ông Lành cho biết.

Để cho dân tin, ông Lành “tay cuốc tay cày” làm cả trang trại cà phê từ năm 1989. Đến năm 1992-1993, ông thu cà phê và cuộc sống ổn định dần. Khi kinh tế khá lên, ông Lành đưa đồng bào Xơ Đăng về trang trại làm công cho mình, hưởng tiền công nhật hàng ngày. Điều đáng nói, mục đích là ông Lành không phải để làm thuê mà thông qua đó, hướng dẫn cho họ cách làm ăn, chăm bón cây công nghiệp.

"Một mai họ thích làm kinh tế rồi, sẽ bắt tay làm được, nhờ có kinh nghiệm, kiến thức tôi đã tận tình chỉ dạy" - ông Lành nói.

Những nỗ lực của những cựu binh được đền đáp, khi cả thôn 202 hộ, giờ chỉ còn 10 hộ nghèo.

Với sự góp sức của các cựu chiến binh, quê hương Đăk Ui ngày càng đổi mới

 

Các cựu binh ở làng Đại Đoàn Kết này không chỉ giúp bà con Xơ Đăng trong thôn mà còn tận tình giúp đỡ đồng bào Xơ Đăng trong 11 thôn, làng của xã Đăk Ui, họ nhiệt tình "cầm tay chỉ việc" khi được yêu cầu hỗ trợ. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong năm 2018, đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo ở xã Đăk Ui giảm gần 8% so đầu năm; số hộ nghèo trên địa bàn hiện còn 22,02%; đời sống của đồng bào Xơ Đăng nơi quê hương cách mạng tuy chưa thật sự giàu nhưng đang ngày càng đổi thay tiến bộ, kinh tế phát triển.   

Bài, ảnh: Phúc Nguyên

Chuyên mục khác