Nước thải từ lò giết mổ gia súc tập trung gây ô nhiễm môi trường

29/09/2023 06:02

Mặc dù người dân đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay, tình trạng nước thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cây trồng của người dân từ lò giết mổ gia súc tập trung của thành phố Kon Tum tại phường Ngô Mây vẫn chưa được xử lý triệt để. Người dân mong cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý một cách triệt để.
Lò giết mổ gia súc tập trung của thành phố Kon Tum. Ảnh: PN

 

Tháng 9/2022, Lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum (gọi tắt là lò giết mổ) được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và hạn chế việc lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm từ động vật trên địa bàn thành phố. Công suất hoạt động của lò giết mổ hiện nay đạt khoảng 150 con gia súc/ngày và 100 con gia cầm/ngày. Lò giết mổ được chia thành 5 khu gồm khu giết mổ trâu, bò, heo và gia cầm. Hiện nay, đã có 12 hộ giết mổ trâu, bò; 17 hộ giết mổ heo và 2 hộ giết mổ gia cầm vào hoạt động tại lò giết mổ tập trung.

Theo hồ sơ thiết kế Dự án lò giết mổ gia súc tập trung thành phố thì nguồn nước thải tại lò giết mổ sau khi qua hệ thống xử lý, lắng lọc (tổng sức chứa của bể chứa 176m3, trong đó, bể lắng 70m3, bể tách dầu mỡ 36m3, bể lọc 70m3) đổ ra hồ chứa sinh học và nước từ hồ chứa sinh học theo đường ống nhựa dẫn ra môi trường bên ngoài xuống mương nước thủy lợi.

Nước thải từ lò giết mổ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: PN

 

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum, so với phương án ban đầu thì hiện tại số lượng hộ dân vào lò giết mổ chưa được 50% so với tổng số hộ kinh doanh giết mổ trên địa bàn thành phố, thế nhưng, hiện tại đã quá tải, từ đó gây ra tình trạng tắc nghẽn, không thể lắng lọc, nước thải tràn ra ngoài khu vực lò giết mổ, gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, với việc thiết kế nước thải chảy ra hệ thống mương thủy lợi rồi chảy vào ruộng lúa đã ảnh hưởng đến năng suất lúa của người dân.

Bà Y Lăm (thôn Konhơngo Kơtu, xã Vinh Quang) cho biết: Nước thải từ lò giết mổ gia súc tập trung không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa, hoa màu của người dân. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần mà ngành chức năng vẫn chưa xử lý triệt để, khiến nước trong lò giết mổ vẫn chảy xuống mương thủy lợi, rồi chảy vào đồng ruộng, làm ảnh hưởng đến sản lượng lúa của người dân. Đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xử lý để đảm bảo môi trường cũng như việc sản xuất hoa màu của người dân tại khu vực này.

Không chỉ tình trạng nước thải gây ô nhiễm môi trường, đoạn đường từ Tỉnh lộ 675 vào lò giết mổ cũng thường xuyên xảy ra tình trạng đất tràn hết ra đường gây trơn trượt vào mùa mưa, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển gia súc của các hộ dân. Đặc biệt, có một số trường hợp người dân vận chuyển gia súc ra vào lò giết mổ bị ngã nhiều lần.

Ông Bùi Văn Thọ- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ môi trường thành phố Kon Tum cho biết: Do điều kiện nguồn vốn còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải của lò giết mổ còn thô sơ, nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường bên ngoài chưa đạt chuẩn loại A và còn mùi hôi. Vì vậy, chưa đủ điều kiện để cấp thẩm quyền xác nhận bản kế hoạch bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng trên, trong khi chờ có kinh phí đầu tư hệ thống nước thải đạt chuẩn, UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tăng cường các biện pháp thu gom chất thải rắn, đảm bảo vệ sinh môi trường tại lò giết mổ; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh lưới tách dầu mỡ, các tầng lọc của bể xử lý nước thải, đảm bảo bể xử lý hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Bùi Văn Thọ cho biết: Để việc xử lý nước thải tại lò giết mổ được ổn định lâu dài, đảm bảo dự án thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường theo quy định, Trung tâm đề nghị UBND thành phố chỉ đạo BQLDA đầu tư xây dựng thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý lại hệ thống lắng lọc tại bể chứa để quá trình lắng lọc được liên tục, không tắc nghẽn. Sớm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo yêu cầu (nước thải ra môi trường đạt loại A) để đảm bảo dự án đủ điều kiện lập và phê duyệt đánh giá tác động môi trường theo quy định. 

Cũng theo ông Bùi Văn Thọ, Trung tâm đã kiến nghị UBND thành phố xem xét nạo vét rãnh thoát nước từ Tỉnh lộ 675 vào lò giết mổ, tránh đất tràn ra đường gây khó khăn cho các hộ kinh doanh. Xây dựng đường đi, hệ thống nước, rãnh - hầm nước thải, dựng trụ điện dây dẫn điện tại khu D, C để tiếp tục đưa các hộ có nhu cầu vào hoạt động; xây dựng nhà kho chứa vật dụng cần thiết tại lò giết mổ và sớm đầu tư, mở rộng lò giết mổ tập trung tương ứng với số lượng và công suất giết mổ của các cơ sở giết mổ trên địa bàn toàn thành phố.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác