Nước sạch cho nông thôn

20/12/2022 13:08

Nước sạch là một trong những yếu tố cốt lõi trong thúc đẩy tăng trưởng ở hiện tại và cả tương lai. Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chương trình cấp nước sinh hoạt cho người dân và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình cách đây vài năm, khi chứng kiến một nhóm người khá đông tụ tập gần điểm trường mẫu giáo ở làng Kon Long Buk (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) vì một lý do rất chính đáng: Lấy nước sạch từ những bồn nước mới toanh.

Đó là một ngày giữa mùa khô. Đã 4 giờ chiều mà từng quầng nắng chói chang vẫn hừng hực tỏa xuống núi đồi, thôn xóm. Suối cạn, giếng khô; nước tự chảy càng không thể chảy “vô tư” nữa. Khô khát đang làm cuộc sống của nhiều hộ dân Đăk Tờ Re chật vật, phải chắt chiu từng giọt nước mát.

Nước sạch là một trong những yếu tố cốt lõi của chương trình phát triển con người. Ảnh: H.L

 

Trong những ngày khô hạn ấy, công trình cấp nước sinh hoạt có công suất 200m3/ngày, đêm được đưa vào sử dụng. Nguồn nước được khai thác từ độ sâu 55m, được lọc trước khi đưa vào bồn chứa để sử dụng, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng ăn uống và sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Nhìn nhiều người, trong đó khá nhiều người già và trẻ em, vui mừng lấy nước mà tôi vui như chính mình đang hứng dòng nước mát và sạch ấy.

Nước sạch phục vụ sinh hoạt là một trong những yếu tố cốt lõi của chương trình phát triển con người - thúc đẩy năng suất và tăng trưởng bền vững ở hiện tại và cả tương lai của một đất nước, một địa phương.

Với một tỉnh miền núi, biên giới, hơn 54% dân số là đồng bào các DTTS như Kon Tum, việc đảm bảo rằng mọi người được cung cấp đủ nước sạch là vô cùng cần thiết, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chương trình cấp nước sinh hoạt cho người dân và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đã đạt khoảng 91%; tỷ  lệ dân cư nông thôn được  sử  dụng nước  sinh  hoạt  hợp  vệ  sinh đạt 91,1%.

Đến hết năm 2021, trên địa bàn nông thôn tỉnh đã có 312 công trình cấp nước tập trung và nhiều giếng đào, giếng khoan và các loại hình cấp nước nhỏ lẻ  khác.

Tuy vậy, trong khi chúng ta đang tiến dần đến “đích” là 100% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch thì việc cải thiện tỷ lệ người dân nông thôn tiếp cận nước sạch vẫn còn nhiều thách thức.

Chỉ có 54,5% công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động hiệu quả. Ảnh: H.L

 

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trạng cấp nước nông thôn hiện ở mức hạn chế, với hơn 45,5% công trình cấp nước tập trung hoạt động  kém  hiệu  quả. Và chỉ có 37,7% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt Quy chuẩn 02/BYT.

Tình trạng khan hiếm, thiếu nước sạch vẫn là một vấn đề đáng lo ngại ở nhiều khu dân cư mỗi khi mùa khô đến.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, khách quan là địa  hình  của  tỉnh chia  cắt  mạnh;  dân cư sinh sống  không  tập trung. Đa số các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đều nằm ở xa khu dân cư; đầu nguồn lấy nước thường ở các khe suối nhỏ, việc quản lý, vận hành rất khó khăn; một số công trình thường bị cạn kiệt nguồn nước.

Về chủ quan, khâu quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung là một “điểm trừ” khi thiếu cán bộ có chuyên môn và kinh phí cho quản lý, vận hành và bảo dưỡng. Hầu hết các công trình cấp nước tập trung được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.

Do đời sống người dân vùng nông thôn còn khó khăn nên khả năng chi trả phí sử dụng nước thấp, trong khi đó nguồn ngân sách hỗ trợ giá nước sạch và sửa chữa công trình có hạn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành, bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Đáng ngại hơn, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ khi sử dụng nước nên chưa quan tâm bảo vệ công trình.

Đến năm 2025 có 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Ảnh: HL

 

Tại Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 12/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu, đến năm 2025 có 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Đến năm 2045, bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế- xã hội.

Kế hoạch là một định hướng quan trọng cho những hành động cụ thể để cải thiện mức độ tiếp cận nước sạch cho người dân toàn tỉnh nói chung và người dân khu vực nông thôn nói riêng, đảm bảo cuộc sống của hàng chục nghìn hộ gia đình sẽ được cải thiện.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trước hết cần tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch ở khu vực nông thôn miền núi và DTTS thông qua việc thay đổi sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là của cộng đồng trong các khâu đầu tư và quản lý công trình nước sạch.

Đưa nước sạch vào các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình Nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để tăng mức độ tiếp cận nước sạch cho người dân ở các vùng khó khăn.

Lồng ghép hợp lý chỉ tiêu về nước sạch nông thôn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp  tỉnh, cấp ngành và cấp huyện, xã. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia nhiều hơn nữa của khu vực tư nhân, các cá nhân quan tâm đầu tư, vận hành, quản lý hệ thống cấp nước, đảm bảo người dân tiếp cận các dịch vụ cấp nước một cách bền vững.

Hình thành các mô hình quản lý hiệu quả để cung cấp các dịch vụ cấp nước sạch ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa khó khăn.  

Hồng Lam

Chuyên mục khác