Nước mắt mẹ không còn…

27/07/2020 13:02

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bao đau thương không thể nào quên được. Cho dù năm tháng vẫn sẽ đi qua, thì với chúng ta, sẽ mãi còn lưu giữ hình ảnh thiêng liêng và xúc cảm “ghi khắc trong lòng hình dáng mẹ ngồi trông”. Đó thực là một niềm ngưỡng vọng, cũng như một lời nhắc nhở…, với những người đang sống hôm nay.

“Nước mắt mẹ không còn

Vì khóc những đứa con

Lần lượt ra đi… đi mãi”…

(Ca khúc “Người Mẹ của tôi” - tác giả Xuân Hồng)

Mỗi lần trong lòng thầm cất lên những giai điệu này, lại thấy mắt mình cay cay. Và chẳng hiểu sao, cùng những lúc hồi ức theo từng lời ca ấy, hình ảnh các mẹ Y Nối, Y Nía, Y NhRo… như hiện về.

Năm 2017, cách ít ngày là đến lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chúng tôi về lại Đăk Ui - quê hương cách mạng kiên cường, vùng căn cứ anh hùng trong kháng chiến. “Dạo này, mẹ yếu nhiều, mình không dám đi đâu, chỉ quẩn quanh việc nhà và chăm nom mẹ…” - giọng chị Y Nong, con gái mẹ Y Nía đượm buồn.

Được đỡ ngồi dậy, mẹ có vẻ tỉnh hơn, liên tục nói với con gái và cháu gái những câu tiếng Xơ Đăng gì đó. Song kỳ thực, theo chị Nong, đó chỉ là “nhớ đâu nói đó” thôi, chứ chẳng ngữ nghĩa, thứ tự. Không còn ăn cơm được bình thường, hằng ngày, mẹ chỉ vài lần uống sữa và ăn chút cháo.

Quên sao được hình ảnh mẹ ngồi đó, đôi mắt nheo lại như cố rướn lên, ngước nhìn. Vẫn chị Y Nong nhỏ nhẻ: Giờ thì quên cả, chứ ngày trước, bà “sáng” lắm, nhớ dai. Chuyện mấy anh em hồi nhỏ, hồi trẻ thế nào, hy sinh ra sao, bà kể rõ ngọn ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Hồi kháng chiến, Đăk Ui là vùng núi sâu, rừng xa. Cuộc sống khó nghèo, lại đông con, nên nhà mẹ Y Nía càng cực khổ. Sau 11 lần sinh, vợ chồng mẹ nuôi được 9 đứa; tuy vậy, vẫn “thắt lưng buộc bụng” để dành dụm bắp, mì cho cán bộ, bộ đội ở căn cứ cách mạng. Những năm 1960, các con A Noi, A Nế, A Nê, Y Moi của vợ chồng mẹ đều lần lượt vào du kích, tham gia gài bẫy, cài chông, đánh địch. Chiến tranh ngày càng ác liệt, năm 1968, A Nê hy sinh trong một trận chống càn. Rồi sau đó, A Nế,  A Noi cũng hy sinh.

 Nỗi đau ngặt cắt. Bao nhiêu nước mắt đã rơi. Ngày quê hương giải phóng, đất nước sạch bóng quân thù, mẹ không còn khóc lên được nữa…

Tháng Bảy này, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thu ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum. Tròn 90 tuổi, còn nhớ hay quên phải đâu là điều quan trọng, nhưng riêng với cô cán bộ thương binh xã hội phường hay đến hỏi thăm thì mẹ vẫn nhận ra. Mẹ nheo mắt cười.

Còn nhớ, năm 2014, kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mẹ Thu vinh dự  đón nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sau gần 50 năm chồng và con trai hy sinh. Lần ấy, mẹ kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng sống ở quê hương Hoài Ân, Bình Định. Chồng mẹ là ông Võ Ngọc Đính, một thầy giáo làng. Con trai duy nhất của mẹ là Võ Ngọc Nam. Ngày ấy, ông Đính vừa dạy học, vừa làm cơ sở cách mạng, sau đó thoát ly gia đình vào trong căn cứ. Con trai mới 14-15 tuổi đã đi du kích, rồi cũng theo cha “nhảy núi”, “vào khu”. Một mình bám làng, góp sức tiếp tế cho cơ sở, chẳng ngờ trong hai năm (1966-1967), mẹ đau đớn chịu hai cái tang liên tiếp của chồng, của con. Năm 1968, mẹ lên Kon Tum lập nghiệp. Nuốt nước mắt vào lòng, để tiếp tục vượt qua bao gian khổ, khó khăn…, mẹ đợi đến ngày “đất nước trọn niềm vui”.

Năm 2003, tập sách “Chân dung các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Kon Tum” ra đời, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 60 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng. Đến nay, danh sách tôn vinh đã là 127 người. Tuổi cao, sức yếu, gần hết các mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý đã về với đất, “đoàn tụ” cùng những người chồng, người con liệt sĩ thân yêu của mình. Giờ đây, ngoài mẹ Đặng Thị Thu, chỉ có thêm một  Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh ta còn sống cùng quê hương, con cháu là mẹ Y Tría ở huyện Tu Mơ Rông.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bao đau thương không thể nào quên được. Cho dù năm tháng vẫn sẽ đi qua, thì với chúng ta, sẽ mãi còn lưu giữ hình ảnh thiêng liêng và xúc cảm “ghi khắc trong lòng hình dáng mẹ ngồi trông”. Đó thực là một niềm ngưỡng vọng, cũng như một lời nhắc nhở…, với những người đang sống hôm nay.

Thanh Như

Chuyên mục khác