28/02/2020 06:13
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Huyền Chi năm nay mới 31 tuổi. Hơn 6 năm vào nghề cũng là chừng đó thời gian bác sĩ trẻ Hà Huyền Chi làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Hà Huyền Chi kể: Em đến với nghề y như một cái duyên. Ban đầu em không có ý định theo học ngành y, vì mọi người trong nhà đều nói nghề bác sĩ vất vả và nhiều áp lực, nhất là đối với nữ. Nhưng khi bà nội em bị tai biến mạch máu não, nhìn các bác sĩ tận tình cứu chữa cho bà, em thầm cảm phục và biết ơn họ. Vì vậy, em muốn trở thành một bác sĩ, trước hết là để chăm sóc cho gia đình, sau đó là người bệnh. Thế là em đăng ký thi vào học Đại học Y Tây Nguyên và theo ngành Y đa khoa. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, em được nhận về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lúc đầu em vào làm việc tại Khoa Tim mạch, sau đó 2 tháng em được điều động sang Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc theo chủ trương luân phiên các bác sĩ trẻ làm việc ở mỗi khoa 2 tháng. Về làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, em thấy công việc này thực sự phù hợp với mình và lôi cuốn nên em xin ở lại luôn cho tới bây giờ.
|
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - nghe cái tên thôi cũng đủ cho người ta thấy tính chất và mức độ áp lực trong công việc của người thầy thuốc. Khoa có khối lượng công việc khá nặng nề, các y, bác sĩ làm việc tại đây rất vất vả và áp lực, bởi bệnh nhân của Khoa đều là những ca bệnh rất nặng. Trong phòng bệnh gần như không có sự giao tiếp giữa người bệnh với bác sĩ, chỉ có tiếng máy tít tít, tiếng bước chân của các y, bác sĩ liên tục đi lại kiểm tra, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân.
Thế nhưng, khi được hỏi vì sao lại bị hấp dẫn bởi công việc này, cô bác sĩ trẻ Hà Huyền Chi chia sẻ: “Bệnh nhân của Khoa đều rất đặc biệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Để cứu sống được bệnh nhân, các bác sĩ phải không ngừng nỗ lực để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ hay nói cách khác phải giỏi, điều đó đã thôi thúc em ở lại Khoa. Càng ngày em càng thấy công việc mình làm có ý nghĩa vì những nỗ lực của mình được đền đáp lại bằng việc cứu chữa cho các bệnh nhân qua cơn nguy kịch, giữ lại được mạng sống cho họ”.
Cả Khoa hiện tại chỉ có 3 bác sĩ làm việc thường xuyên, các bác sĩ phải thay nhau trực nên thời gian Huyền Chi ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Thậm chí vào dịp lễ, tết, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông gia tăng, có khi cô ở lại liên tục mấy ngày trong bệnh viện, tranh thủ ăn uống qua quýt, ngủ tạm ở phòng trực để sát cánh cùng các đồng nghiệp cứu chữa cho bệnh nhân.
Nghe các anh em y, bác sĩ trong Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc khen rằng, bác sĩ Huyền Chi nhỏ bé vậy mà “dẻo dai” ghê gớm, lúc nào cũng như con thoi, hết lo cho bệnh nhân lại cặm cụi nghiên cứu bệnh án rồi tìm tòi tài liệu học tập, nâng cao chuyên môn. Năm 2018, Hà Huyền Chi hoàn thành chương trình cao học, chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Năm 2019, cô bác sĩ trẻ thực hiện đề tài nghiên cứu về Sốc nhiễm khuẩn được đánh giá có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá, tiên lượng bệnh cho bệnh nhân.
Hà Huyền Chi trải lòng: “Bác Hồ dạy “lương y như từ mẫu”, với bản thân mình, em luôn coi bệnh nhân như chính người thân trong gia đình để điều trị và chăm sóc cho họ. Đó là động lực để em không ngừng nỗ lực trau dồi bản thân, nâng cao chuyên môn, hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc”.
Nói về Hà Huyền Chi, bác sĩ Lê Vũ Thức - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận xét: Là một bác sĩ có tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng Hà Huyền Chi đã khẳng định được mình là một người thầy thuốc có chuyên môn vững, chịu khó học hỏi để nâng cao y nghiệp, tận tụy với công việc và nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh. Bên cạnh đó, trong các hoạt động tình nguyện hay các phong trào của bệnh viện, bác sĩ Chi cũng rất tích cực tham gia. Có thể nói, Hà Huyền Chi là một tấm gương sáng để nhiều bạn trẻ trong đơn vị học tập.
Thiên Hương