Nông thôn mới trên những miền quê

02/05/2023 06:14

Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi tích cực diện mạo ở những vùng nông thôn, cuộc sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa. Đó thực sự là những “miền quê đáng sống” của mỗi người dân.

Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 42/85 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 18 xã so với năm 2020; bình quân toàn tỉnh đạt 15,76 tiêu chí/xã.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã góp phần mang lại đổi thay nhanh chóng, rõ nét về diện mạo kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn, chất lượng cuộc sống của người dân tại các vùng quê của tỉnh.

Không chỉ phấn đấu đạt chuẩn, với quan điểm xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với những đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên mức cao hơn.

Thôn 3, xã Tân Lập là 1 trong 7 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh được công nhận năm 2021. Ảnh: T.H

 

Tiêu biểu như xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018), địa phương này tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Với quyết tâm chính trị cao và những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đến năm 2021, Tân Lập trở thành xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ngày nay, đến Tân Lập, chúng ta có thể nhận thấy sự khang trang, đổi mới rõ nét trên từng thôn, xóm. Đường sá ở đây được xây dựng khang trang, với tỷ lệ đường trục thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn tới 94,2%; từng hộ dân chủ động cải tạo cảnh quan sân vườn theo hướng xanh, sạch, đẹp; 100% hộ trên địa bàn xã được sử dụng điện lưới quốc gia; nhà cửa được xây mới kiên cố... Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô lớn với các vùng sản xuất chuyên canh lúa, bắp được hình thành, bước đầu xây dựng được sản phẩm chủ lực của địa phương như bún tươi, gạo Tân Lập.

Xác định, không có thôn, làng nông thôn mới thì sẽ không có xã nông thôn mới, không có huyện nông thôn mới; những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; thôn, làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS.

Tại xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà), năm 2018, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cấp ủy Đảng và chính quyền xã chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng các thôn và quyết định chọn thôn Đăk Tin làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Mặc dù lúc bấy giờ, thôn Đăk Tin mới có 6/10 tiêu chí đạt chuẩn; các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí “khó nhằn” là giao thông, nhà ở hộ gia đình, thu nhập và văn hóa, y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, với việc ưu tiên dành nguồn lực đầu tư của địa phương và sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến năm 2022 thôn Đăk Tin đã hoàn thành 10/10 tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu. Các con đường trong thôn Đăk Tin đều được bê tông hóa phẳng lỳ; các gia đình tự giác tu sửa nhà cửa, làm lại hàng rào, cổng ngõ khang trang; người dân tích cực chuyển đổi cây trồng để mang lại thu nhập cao, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt gần 50 triệu đồng.

Ngoài thôn Đăk Tin, năm 2022, huyện Đăk Hà còn có 4 thôn khác đạt 10/10 tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cùng với 2 thôn đã được công nhận năm 2021.

Bên cạnh đó, huyện Đăk Hà cũng có 9 thôn hoàn thành các tiêu chí xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.

Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng nông thôn của huyện Đăk Hà giờ đây đã “khoác trên mình chiếc áo mới” với hạ tầng đồng bộ, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đời sống và thu nhập của người dân được nâng lên. Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Đăk Hà đạt trên 49,6 triệu đồng.

Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa, đảm bảo hội tụ yếu tố truyền thống và hiện đại. Đây là yếu tố cốt lõi để nông thôn mới đậm bản sắc với những giá trị văn hóa riêng biệt, trở thành “những miền quê đáng sống”.

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Rơ Wa luôn chú trọng bảo tồn văn hóa. Ảnh: TH

 

Trên hành trình xây dựng “những miền quê đáng sống”, các địa phương của tỉnh đã thể hiện quyết tâm không "mặc đồng phục" cho thôn, làng, mà dựa trên các giá trị truyền thống để xây dựng, phát triển, từng bước hình thành và tạo nên những nét độc đáo, khác biệt giữa các vùng quê.

Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) là một trong những minh chứng.

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Rơ Wa vừa tập trung nâng cấp, hoàn thiện điện, đường, trường, trạm; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Nhờ đó, địa phương này đã giữ được những nét văn hóa đặc săc như: không gian làng, nhà rông truyền thống, nhà sàn, nghề thủ công của dân tộc Ba Na. Tất cả tạo nên sự hài hòa giữa phát triển và gìn giữ, tạo nên nét độc đáo riêng biệt của địa phương, thu hút được nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.

Xã Đăk Rơ Wa hiện có tới 2 làng du lịch cộng đồng, người dân có điều kiện khai thác bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, cải thiện thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Mỗi địa phương một cách làm, một hướng đi, nhưng tất cả đều đang nỗ lực xây dựng “bức tranh nông thôn bừng sức sống” tươi đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, người dân trực tiếp tham gia sẽ cảm nhận rõ hơn hết sự “chuyển mình” và “hơi thở mới” trên mỗi vùng quê.

Thùy Hương

Chuyên mục khác