Nông dân thế hệ mới

03/01/2023 13:01

Thay đổi tư duy, mỗi người nông dân nỗ lực học tập, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, bắt nhịp với những cách làm hay, mô hình mới, nâng cao giá trị sản phẩm.

Những ngày cuối năm, trên các cánh đồng ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum người dân tất bật cho vụ gieo trồng mới. Không còn cảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau, trên đồng ruộng, hàng chục chiếc máy bừa hoạt động hết công suất. Trong khung cảnh nhộn nhịp ấy, anh cán bộ xã vui mừng khoe rằng, bà con nông dân ở xã nay đã khác xưa rất nhiều, đã có lối tư duy mới, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đặc biệt, dám chuyển đổi loại cây trồng không phù hợp sang loại cây mới để mang lại hiệu quả cao hơn.

Để dẫn chứng cho cái mới mà mình nói, anh cho biết, đến nay, trên địa bàn xã, tất cả các hộ nông dân, kể cả đồng bào DTTS đều sử dụng các loại máy móc hiện đại trong quá trình sản xuất cây lúa, từ máy cày, máy bừa, máy xới đất đến máy gặt liên hợp. Nhờ đó, vừa tiết kiệm được nhân công, vừa mang lại hiệu quả sản xuất cao, đồng thời tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu.

Nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: HT

 

Chỉ ra một dẫn chứng khác, anh nói, bà con trong xã chuyển đổi diện tích đất trồng mì thường xuyên bị bệnh sang trồng mía, đặc biệt là mía hố. Trong quá trình trồng mía hố, người dân đã biết cách sử dụng các loại máy khoan để khoan hố; biết sử dụng các loại máy phun thuốc thay vì sử dụng sức người như trước đây.

Từ câu chuyện của nông dân xã Đoàn Kết, nhìn rộng ra, thấy được, trong thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng có những chuyển biến, thay đổi tích cực trong sản xuất. Thay đổi nếp nghĩ, không còn thụ động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, họ tự đứng trên đôi chân của chính mình, tự mày mò, tìm tòi xây dựng các mô hình sản xuất mới, luôn có khát khao làm giàu và làm chủ công nghệ.

Đi nhiều trang trại, nông trại, dễ dàng nhận thấy, nông dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất. Tìm tòi, học hỏi, nhiều người biết cách sử dụng các thiết bị kết nối với điện thoại thông minh để dễ dàng điều khiển việc tưới nước, bón phân; hay thành thạo trong việc sử dụng nhà màng, các công cụ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ nông dân đã xây dựng các trang trại chăn nuôi với hệ thống chuồng kín, đèn sưởi, máng ăn tự động, sử dụng hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động. Nông dân ở một số hợp tác xã còn sẵn sàng đầu tư vốn mua các loại máy móc sấy khô, đông lạnh, các loại máy hút chân không để bảo quản và chế biến sản phẩm.

Thay đổi trong sản xuất và chính người nông dân cũng biết cách tiếp cận, làm chủ công nghệ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của chính mình làm ra. Thay vì chỉ giới thiệu và bán sản phẩm ở chợ truyền thống hay lệ thuộc vào tiểu thương như trước đây, người dân đã biết sử dụng, xây dựng các trang bán hàng trên mạng xã hội như facebook, zalo. Thông qua mạng xã hội, họ quảng bá rộng rãi hàng hóa nông sản đến khắp mọi miền; đồng thời kịp thời cập nhật giá cả thị trường, phần nào tránh tình trạng bị ép giá.

Với “tầm nhìn” xa hơn, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, những người nông dân chân lấm tay bùn đã hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Họ mạnh dạn tiếp cận với phương thức sản xuất mới, học hỏi cách quản lý kinh doanh khoa học, sáng tạo; không ngại cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm. Dễ nhận thấy, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đem sản phẩm tham gia thi OCOP cấp huyện, thành phố, cấp tỉnh để tăng giá trị hàng hóa nông sản do chính mình làm ra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó, có nhiều sản phẩm của nông dân.

Thế hệ mới với tư duy mới, ở các vùng sâu, vùng xa, nhiều hộ nông dân cũng dần dần xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hợp tác, xây dựng những vùng chuyên canh trên quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh, hiện có hơn 150 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2022, các cấp Hội Nông dân thành lập được thêm 1 chi hội nông dân nghề nghiệp, 8 tổ hội nông dân nghề nghiệp... đã chứng tỏ, thay vì tự sản xuất, các hộ nông dân đã biết cách liên kết tạo thành tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã; biết cách dồn điền, đổi thửa để có thể sản xuất trên quy mô lớn hơn. Từ đó, khai thác hiệu quả lợi thế đất đai cũng như chia sẻ, học được cách làm hay, sáng tạo của các thành viên khác.

Từng bước thay đổi nếp nghĩ, tư duy trong lao động sản xuất, nông dân sẵn sàng học hỏi, tham gia các mô hình tiên tiến, vượt khó, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế trên địa bàn.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác