Nông dân Đăk Glei thay đổi nếp nghĩ, cách làm

22/09/2024 06:36

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đăk Glei tích cực triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động). Qua đó góp phần giúp hội viên, nông dân trên địa bàn xây dựng cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng.

Phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân huyện Đăk Glei đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội viên, nông dân về Cuộc vận động gắn với thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, Hội Nông dân huyện Đăk Glei chủ động đẩy mạnh triển khai 3 hình thức tuyên truyền: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị; kết hợp giữa tập huấn khoa học kỹ thuật với xây dựng mô hình thực tế ở cơ sở.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Glei, trong triển khai Cuộc vận động, Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng các nội dung chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các cấp hội cơ sở triển khai đến hội viên, nông dân. Trong đó, tập trung xây dựng, tuyên truyền nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Qua Cuộc vận động, các hộ hội viên, nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ từ canh tác, sản xuất theo hướng truyền thống đã biết áp dụng tiến bộ khoa khọc kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao năng suất, cây trồng vật nuôi, chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập kinh tế cao.

Hội viên nông dân tham gia mô hình trồng lúa nước tại xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei). Ảnh: T.T

 

Hiện tại, Hội Nông dân huyện Đăk Glei đã thành lập 2 chi hội nghề nghiệp và 11 tổ hội nông nghiệp với 119 thành viên thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao như: Nuôi ong rừng lấy mật tự nhiên; trồng và phát triển sâm dây, sâm Ngọc Linh; nuôi bò sinh sản; nuôi dê sinh sản; nuôi dúi sinh sản.

Ông Nguyễn Văn Phương đánh giá: Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã và đang được Huyện hội nhân rộng tại cơ sở. Qua đó, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” được đẩy mạnh. Các cấp hội cơ sở hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng những mô hình kinh tế tiềm năng ở quy mô vừa và nhỏ. Các đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi, nông dân giúp nhau phát triển kinh tế bền vững.

Hiện tại, toàn huyện Đăk Glei có 2.285 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, có 391 hộ nông dân đã được công nhận đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; có 869 hộ sản xuất kinh doanh giỏi được công nhận đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn huyện có 123 hội viên là thành viên tham gia các hợp tác xã và 416 hội viên tham gia tổ hợp tác. Một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm trở lên được nhân rộng điển hình như hộ A Pin, Y Liên (xã Ngọc Linh); A Đàn (xã Đăk Choong), A Hét (xã Đăk Nhoong).

Từ Cuộc vận động, nhiều loại nông sản, dược liệu chủ lực địa phương đã được hội viên, nông dân huyện nhà sản xuất, phát triển hiệu quả. Các sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn OCOP đối với từng loại mặt hàng nông sản của địa phương như: Sâm Ngọc Linh, hồng đảng sâm, măng nứa rừng, thịt hun khói, muối tiêu rừng.

Hội viên nông dân triển khai chăn nuôi dê phát triển kinh tế. Ảnh: TT

 

Có thể nhận thấy, Cuộc vận động đã góp phần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của hội viên, nông dân trên địa bàn huyện. Hội viên nông dân đã và đang chuyển từ kinh tế hộ đơn lẻ sang tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đăk Glei chú trọng liên kết mở các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân. Huyện hội thường xuyên tổ chức các buổi đi tham quan thực tế mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của các khu vực trong và ngoài tỉnh cho hội viên học tập.

Các cấp hội nông dân tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động, vận động hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng cho sản phẩm. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững cho hội viên, nông dân trên địa bàn. 

Tất Thành

Chuyên mục khác