07/09/2018 13:10
Tiện và miễn phí
Phải nói rằng tôi bị ám ảnh bởi đống rác trước cổng, một phần vì nó nhiều và gây ô nhiễm, nhưng chủ yếu là vì những túi nilon xanh đỏ, đen, trắng; dù mỗi sáng, chị em công nhân môi trường đô thị đều thu gom, vận chuyển đi, nhưng chỉ đến chiều lại chất đống.
Từng có lần tôi phàn nàn với chị trưởng thôn rằng, túi nilon ở đâu ra mà nhiều thế không biết? Rằng, ước gì một ngày nào đó, tôi thức giấc, bước ra cổng và không nhìn thấy những bì nilon ấy nữa.
Chị trưởng thôn nhấm nhẳng: Thì cũng từ các gia đình xung quanh đấy xả ra cả. Hôm nào chú thử đếm xem nhà mình sử dụng bao nhiêu túi nilon mỗi ngày, nhân với số gia đình là ra thôi.
Ừ nhỉ. Tôi giật mình. Chưa bao giờ tôi thử đếm xem mỗi ngày gia đình mình dùng bao nhiêu túi nilon. Tôi quyết định đếm thử ngay trong thời gian đang vắt óc viết bài tuyên truyền về Ngày không túi nilon này. Và kết quả thật đáng lo ngại.
|
Chỉ trong ngày hôm ấy, riêng gia đình tôi thôi đã có thể dùng đến cả chục cái túi nilon lớn nhỏ. Xem nào, sáng mua tô phở về nhà ăn có 5 cái túi nilon: túi đựng phở, túi đựng nước, túi đựng rau sống, túi đựng nước tương, tất cả các túi trên cho vào một túi khác lớn hơn. Sau đó, do tiết kiệm thời gian, tôi ghé vào quán, mua 1 ly cà phê đem về nhà, vậy là lại thêm 2 túi nilon, 1 ly nhựa, 1 ống hút.
Giữa buổi đi chợ, tay không, phóng xe vèo vèo, khi về lại lỉnh kỉnh, cơ man nào là túi nilon chứa cá, thịt, rau củ, trái cây. Đến nhúm hành, tỏi khô, mấy trái ớt cũng có túi riêng…
Khá “choáng” với mức độ sử dụng túi nilon của gia đình mình, tôi thăm dò nhà hàng xóm thì được biết gia đình họ sử dụng túi nilon cũng chẳng kém gì, ngày ít cũng vài chục cái túi trở lên.
Quả thật, túi nilon đang "lên ngôi" bởi tính tiện lợi, ở đâu, làm gì ta cũng có thể thấy bóng dáng của... túi nilon. Hơn thế, đi chợ, vào siêu thị, túi nilon luôn là mặt hàng miễn phí. Tại các quầy bán cá, sau khi làm sạch sẽ, cá được cho vào túi, rồi người bán còn “cẩn thận” bọc thêm lớp túi bên ngoài để không dính bẩn tay khách. Đến hàng rau thì số lượng túi sử dụng còn nhiều hơn, bởi mỗi loại rau lại đựng trong một cái túi, thậm chí chỉ mấy cọng hành, vài quả chanh cũng cần đến túi. Đến khi ra khỏi hàng rau thì mỗi khách hàng có đến 5, 6 chiếc túi trên tay.
Vậy là, từ gian bếp mỗi nhà, một lượng rác khó phân hủy khổng lồ sẽ thải ra môi trường.
Bắt đầu từ... các bà nội trợ
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa nhất thế giới.
Ở Kon Tum, chưa có một cuộc khảo sát nào được tiến hành và không có số liệu cụ thể, nhưng theo tính toán từ Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Song Nguyên Kon Tum, thì 70% trong tổng số gần 100 tấn rác thải được thu gom, xử lý mỗi ngày ở thành phố Kon Tum là rác thải nhựa.
Chúng ta đều biết rằng, những chiếc túi nilon rất nhỏ bé, tiện lợi, nhưng để phân hủy tự nhiên phải mất đến hàng trăm năm trở lên. Sự tồn tại của nó trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước; làm tắc nghẽn ao, hồ, sông ngòi, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, túi nilon còn gây mất mỹ quan và cảnh quan- ông Huỳnh Thúc Viên - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay.
Theo cơ quan chức năng, nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này, như phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; áp dụng chính sách kinh tế để giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy (đánh thuế 40.000 đ/kg đối với những đơn vị sản xuất túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường); khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường (không đánh thuế)...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...
Tuy nhiên, tôi đồng tình với một số ý kiến cho rằng, những giải pháp ấy chưa thực sự đi vào cuộc sống; và, muốn hạn chế việc dùng túi nilon, nên bắt đầu từ... các bà nội trợ, hay đúng hơn là bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon vì "tiện và miễn phí" của họ.
Người đưa ra ý kiến ấy chính là chị trưởng thôn đáng yêu- nơi gia đình tôi sinh sống. Chị nói: Thử làm một phép tính thế này, nếu như mỗi bà nội trợ đồng ý không sử dụng túi nilon 1 ngày/tuần khi đi mua sắm (có thể là dùng túi giấy, làn nhựa...), trung bình mỗi hộ sử dụng 10 túi/ngày, với hơn 300 hộ gia đình trong thôn, mỗi tuần ít nhất giảm được hơn 3.000 túi nilon/tuần. Nếu là không sử dụng cả tuần, cả tháng thì sao? Giảm rất, rất nhiều.
Vậy đấy. Đôi khi hành động bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá to tát, mà chỉ là thực hiện những việc nhỏ nhất như thay đổi thói quen dùng túi nilon của các bà nội trợ chẳng hạn.
Và như thế, tôi sẽ không còn bị ám ảnh bởi những túi nilon xanh đỏ, đen, trắng trước cổng nhà mình nữa. Hơn thế, chúng ta có quyền hy vọng về một ngày, sáng dậy không còn thấy "núi" rác túi nilon....
Thành Hưng